Đó là khẳng định của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại diễn đàn Phát triển chăn nuôi gia cầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở đồng bằng sông Hồng.
Ngày 30/10, diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về “Giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm theo VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH)” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Hải Phòng, có hơn 200 đại biểu đến từ trung tâm khuyến nông và người chăn nuôi các tỉnh: Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Hải Phòng tham gia. Tại hội nghị này, nhiều vấn đề liên quan đến chăn nuôi gia cầm VietGAHP gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã được các đại biểu thẳng thắn trao đổi chia sẻ.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT), từ năm 2018 – 2020, trung tâm đã triển khai nhiều dự án lớn liên quan đến chăn nuôi gia cầm theo mô hình VietGAHP. Người chăn nuôi tham gia dự án đã bán sản phẩm được chủ động, ổn định, giá bán cao hơn so với sản phẩm ngoài mô hình.
Trang trại nuôi bò sữa theo VietGAHP
Ông Phạm Văn Nhị, chủ hộ chăn nuôi gà theo mô hình VietGAHP tại xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng cho biết, gia đình ông tham gia dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAHP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia năm 2019 với quy mô 5.000 con. Từ việc chăn nuôi bấp bênh, nhỏ lẻ nhờ dự án, ngoài việc được hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật, giá trị sản phẩm được nâng lên, gia đình ông cũng không còn lo đầu ra cho sản phẩm.
“Trước đây mạnh ai nấy làm, sản xuất thiếu tập trung, thiếu tính liên kết, làm ăn nhỏ lẻ, quy mô hẹp. Thị trường tiêu thụ thì bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái và thường xuyên bị ép giá. Sau khi tham gia dự án, chúng tôi được kết nối với 1 doanh nghiệp trên địa bàn, được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá bán ra khi liên kết sẽ bằng hoặc cao hơn thị trường 500đ/kg. Chúng tôi không còn lo về đầu ra sản phẩm và yên tâm sản xuất cho tốt” – ông Nhị chia sẻ.
Bà Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, định hướng chăn nuôi theo VietGAHP là việc rất quan trọng để hướng người dân không những chăn nuôi theo đúng quy trình, chăn nuôi đảm bảo về an toàn sinh học mà căn bản nhất là phải có vấn đề ghi chép chăn nuôi để đảm bảo về truy xuất nguồn gốc.
“Khi có sự quan tâm của người dân trong vấn đề chăn nuôi thì mang lại hiệu quả tốt hơn. Thứ nhất là chăn nuôi giảm dịch bệnh, thứ hai là được chứng nhận VietGAHP mang lại giá trị trong vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cần liên kết giữa người chăn nuôi với nhau để giảm chi phí đầu vào và có hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp giết mổ chế biến, tạo giá trị bền vững” – bà Hạnh nói.
Dự án: “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông màu (Lương phượng, Ri lai, Mía lai) thương phẩm theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng” được triển khai tại các tỉnh Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc. Từ năm 2018-2020, đã xây dựng 12 mô hình, với quy mô 120.000 con gà thương phẩm, 150 hộ tham gia. Kết quả 100% số hộ sau khi tham gia dự án đã đạt trên 70% theo tiêu chí VietGAHP, đã xây dựng được 26 hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ và một số công ty, cơ sở thu mua, giết mổ khác.
Nguồn: Tổng hợp và đã được kiểm duyệt bởi Farmtech.