CategoriesNuôi trồng thủy sản Rong biển Rong Nho

Tối ưu hóa sơ chế rong nho (Caulerpa lentillifera) sau thu hoạch

Rong nho (Caulerpa lentillifera) là loài rong có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều nước ưa chuộng nên có tiềm năng xuất khẩu cao. Rong nho sau khi thu hoạch được sơ chế để bảo quản tươi hoặc làm thành rong nho khô để bảo quản nhằm tăng thời gian sử dụng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam qua khảo sát thực tế cho thấy, thời gian bảo quản rong nho tươi khá ngắn. Nếu rong nho bảo quản trong môi trường không khí bình thường, sau 01 ngày nhanh chóng bị hư hỏng. Nếu rong nho được bảo quản trong hộp xốp, bao màng polyvinyl chloride theo cách thông thường của các loại rau quả khác, sau 3 ngày cũng nhanh chóng bị hư hỏng. Nếu bảo quản rong nho trong bao bì polypropylen như các cơ sở kinh doanh rong nho tươi hiện nay trên địa bàn Khánh Hòa thì có thời gian bảo quản cũng chỉ từ 5 đến 7 ngày. Nguyên nhân của sự nhanh chóng hư hỏng này một phần do đặc điểm của rong nho khá mọng nước, cấu trúc rong nho mềm, lỏng lẻo, dễ tổn thương, gây hư hỏng bởi các tác nhân bên ngoài, một phần do quá trình sơ chế rong nho sau thu hoạch chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguyên liệu rong nho ban đầu nên rong nho nhanh chóng bị hư hỏng khi bảo quản.

Nghiên cứu “tối ưu hóa sơ chế rong nho (Caulerpa lentillifera) sau thu hoạch” của Lê Thị Tưởng và Nguyễn Thị Mỹ Trang được thực hiện nhằm ổn định chất lượng nguyên liệu ban đầu, giúp kéo dài thời gian bảo quản, góp phần làm tăng giá trị kinh tế cho rong nho.

 

Rong nho sau thu hoạch có nhiều tạp chất vô cơ và hữu cơ cũng như vi sinh vật bám trên rong, vì vậy rong nho sau thu hoạch cần phải rửa nhằm loại bỏ các tạp chất và vi sinh vật bám trên bề mặt của rong, giảm nguy cơ gây hư hỏng rong khi bảo quản.

Sau đó rong nho được chuyển sang bể nước sạch có sục khí để nuôi lại. Mục đích của quá trình nuôi lại rong nho nhằm tạo điều kiện cho rong lành các vết thương và phục hồi sức khỏe sau thu hoạch, vận chuyển và rửa rong nho. Vì vậy, điều kiện môi trường phù hợp cho rong sinh trưởng, phát triển cũng là điều kiện phù hợp cho rong lành các vết thương và phục hồi sức khỏe.

 

Rong nho bị tiết nhớt sau thu hoạch       Rong lành vết thương sau khi sơ chế

Kết quả nghiên cứu cho thấy điều kiện tối ưu công đoạn rửa rong nho là lượng nước rửa: 15 lít/kg; thời gian rửa: 7 phút/lần, số lần rửa: 3 lần. Điều kiện tối ưu công đoạn nuôi lại rong nho là mật độ rong: 1 kg/40lít; thời gian nuôi: 3 ngày và lượng oxy hòa tan: 7ppm. Với điều kiện tối ưu này, thu được chất lượng cảm quan và độ sáng của rong nho cao nhất với lượng vi sinh vật còn bám trên rong không đáng kể.

Màu sắc rong nho trước khi sơ chế              Màu sắc rong nho sau khi sơ chế

Nguồn: TapchikhoahocvacongnghetruongdaihocCanTho được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *