Hoa huệ là một loài hoa được ưa chuộng bởi vẻ đẹp và hương thơm nhẹ nhàng. Chúng được trồng để bán nhiều vào dịp tết và đem lại giá trị kinh tế cao.
1. Nhân giống
Nhân giống là một biện pháp kỹ thuật quan trọng nhằm tạo ra các giống tốt, đồng đều về chất lượng và tạo ra được số lượng lớn cây giống để phục vụ công tác sản xuất.
Trong sản xuất hoa, nhân giống có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng hoa và hiệu quả kinh tế.
Mỗi loài hoa có những biện pháp nhân giống khác nhau, phù hợp với đặc điểm thực vật học của cây. Đối với cây hoa huệ có 2 hình thức nhân giống phổ biến: nhân giống bằng củ và nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô.
1.1. Nhân giống bằng củ
Nhân giống bằng củ là biện pháp nhân giống vô tính, được sử dụng phổ biến để tạo giống hoa huệ. Biện pháp nhân giống này có những ưu và nhược điểm như sau:
– Ưu điểm:
+ Đơn giản, dễ thực hiện, người nông dân có thể tự sản xuất giống tại nhà.
+ Cây nhanh ra hoa, chất lượng hoa tốt.
+ Giữ được các đặc điểm tốt của cây mẹ.
– Nhược điểm:
+ Cây không đồng đều, nên gây khó khăn trong quá trình chăm sóc.
+ Hệ số nhân giống thấp, không dùng để sản xuất giống theo hướng công nghiệp được.
+ Củ giống là nơi chứa nhiều nguồn bệnh, đặc biệt là nấm bệnh. Do đó, nhân giống bằng củ dễ bị lan truyền bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng củ giống và cây giống.
Củ giống hoa huệ
1.2. Nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô
Đây là biện pháp nhân giống bằng cách nuôi mô, tế bào trong môi trường dinh dưỡng nhân tạo, trong điều kiện vô trùng và tái sinh chúng thành cây con. Biện pháp nuôi cấy mô có những ưu nhược điểm như sau:
– Ưu điểm:
+ Tạo được nguồn cây giống sạch bệnh, có tiềm năng sinh trưởng phát triển và năng suất cao.
+ Cây con đồng nhất về mặt di truyền, bảo tồn được các tính trạng đã chọn lọc.
+ Hệ số nhân giống cao.
– Nhược điểm:
+ Đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền và kỹ thuật cao.
+ Giá thành cây giống cao, khó áp dụng
+ Cây giống dễ bị nhiễm bệnh đồng loạt.
Nhân giống nuôi cấy mô trên cây hoa huệ được thực hiện qua các bước:
– Khử trùng mẫu cấy.
– Giai đoạn nuôi cấy khởi động
– Giai đoạn nhân nhanh
– Tạo cây hoàn chỉnh
– Chuyển cây ra ruộng ươm
Các điều kiện cần thiết để thực hiện biện pháp nhân giống nuôi cấy mô trên cây hoa huệ:
– Môi trường nuôi cấy là môi trường MS có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng và than hoạt tính.
Bảng 1. Thành phần môi trường dinh dưỡng MS (Murashige-Skoog,1962)
Hóa chất
Hóa chất | Nồng độ (g/l dung dịch) |
Dung dịch nitrate | |
NH4NO3 | 165,0 |
KNO3 | 190,0 |
Dung dịch sulfate | |
MgSO4.7H2O | 37,0 |
MnSO4.H2O | 1,69 |
ZnSO4.7H2O | 0,86 |
CuSO4.5H2O | 0,0025 |
Dung dịch Halogen | |
MgSO4.7H2O | 37,0 |
MnSO4.H2O | 1,69 |
ZnSO4.7H2O | 0,86 |
CuSO4.5H2O | 0,0025 |
Dung dịch Halogen | |
CaCl2.2H2O | 44,0 |
KI | 0,083 |
CoCl2.6H2O | 0,0025 |
Dung dịch PBMo | |
KH2PO4 | 17,0 |
H3BO3 | 0,620 |
Na2MoO4.2H2O | 0,025 |
Dung dịch NaFeEDTA | |
FeSO4.7H2O | 2,784 |
Na2EDTA | 3,724 |
– Nồi hấp khử trùng.
– Các dụng cụ được sử dụng trong nuôi cấy: dao, kép, panh.
– Tủ cấy vô trùng.
– Nhiệt độ phòng nuôi 250C.
– Độ ẩm 70%.
Nhân giống nuôi cấy mô, tế bào trên cây hoa huệ được thực hiện theo các bước:
– Khử trùng mẫu cấy
– Giai đoạn nhân nhanh
– Tạo cây hoàn chỉnh
– Chuyển cây ra ruộng ươm
a. Khử trùng mẫu cấy
Khử trùng mẫu cấy là biện pháp làm sạch mẫu, đưa mẫu vào môi trường vô trùng. Đây là giai đoạn quan trọng quan trọng, quyết định quá trình nuôi cấy mô thành công hay thất bại. Quá trình khử trùng mẫu cần đảm bảo tỉ lệ mẫu nhiễm thấp, tỉ lệ mẫu sống cao và mô nuôi cấy sinh trưởng tốt.
Đối với cây hoa huệ, mẫu sử dụng là các mắt ngủ được lấy từ củ. Biện pháp khử trùng được tiến hành như sau:
– Chọn mắt ngủ được lấy từ củ huệ làm mẫu cấy.
– Rửa củ bằng nước sạch để loại bỏ đất cát bám vào củ.
– Ngâm củ trong nước xà bông 30 phút.
– Sau đó rửa lại dưới vòi nước chảy trong 5 phút.
– Cắt củ thành lát mỏng.
– Rửa lại củ bằng nước cất và đem vào buồng cấy khử trùng.
– Khử trùng mẫu cấy trong buồng cấy bằng nước cất vô trùng 3 lần rồi rửa lại bằng cồn 70% trong 15 – 20 giây.
– Tráng lại bằng nước cất vô trùng 1 lần nữa.
– Cho mẫu vào dung dịch HgCl2 0,1% trong 15 phút kết hợp với Ca(OCl)2 15% trong 20 phút.
– Rửa mẫu bằng nước cất rồi cấy mẫu vào môi trường MS có bổ sung
30 g/l saccaroza + 6,5 g/l agar+ 4mg/l BA + ,25mg/l α-NAA30 g/l.
b. Giai đoạn nhân nhanh
Nhân nhanh là giai đoạn tạo được số lượng lớn chồi, từ đó đạt số lượng cây giống lớn trong thời gian ngắn. Giai đoạn này cần đảm bảo chồi tạo ra phải đồng nhất, khả năng sinh trưởng tốt.
Chồi hoa huệ trong môi trường nuôi cấy
Giai đoạn nhân nhanh được thực hiện như sau:
– Chọn những chồi bất định có chiều cao khoảng 2 – 3 cm.
– Cấy chồi vào môi trường nhân nhanh.
– Môi trường nhân nhanh là môi trường MS có bổ sung 30 g/l saccaroza + 6,5 g/l agar+ 2mg/l BA + 0,25mg/l α-NAA + 15 ml/l nước dừa.
c. Tạo cây con hoàn chỉnh
Mục đích của giai đoạn này là tạo bộ rễ khỏe, hoàn chỉnh cho cây. Tạo cây con hoàn chỉnh bao gồm các bước:
– Chọn những chồi sau giai đoạn nhân nhanh có chất lượng tốt nhất, có chiều cao từ 4 – 5 cm.
– Cấy chồi vào môi trường ra rễ để tạo cây hoàn chỉnh
– Môi trường ra rễ là môi trường MS + 30 g/l saccaroza + 6,5 g/l agar+ 1mg/l α-NAA.
Cây con hoàn chỉnh trong môi trường nuôi cấy
d. Chuyển cây ra ruộng ươm
Chuyển cây con ra ruộng ươm là giai đoạn chuyển cây con từ trạng thái sống dị dưỡng sang sống tự dưỡng. Để cây con đạt tỉ lệ sống cao trong ruộng ươm cần đảm bảo các điều kiện ngoại cảnh (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, giá thể) phù hợp.
Biện pháp chuyển cây ra ruộng ươm:
– Trước khi đem cây ra khỏi môi trường nuôi cấy cần huấn luyện cây con bằng cách đem bình cấy có cây hoàn chỉnh để môi trường bên ngoài từ 7 – 10 ngày.
– Sau thời gian huấn luyện, tiến hành đưa cây ra khỏi bình cấy. Thao tác lấy cây ra khỏi bình cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh làm cây bị hư, dập.
– Rửa sạch agar.
– Nhúng cây con vào dung dịch kích thích ra rễ (NAA và IBA).
– Trồng cây con vào giá thể bao gồm đất, xơ dừa, trấu với tỉ lệ 1:1:1.
– Đặt các khay cây giống ở nơi mát, có cường độ chiếu sáng thấp, nhiệt độ mát, ẩm độ cao.
2. Chọn củ giống, cây giống
2.1. Chọn củ giống
a. Chọn củ giống: Trước khi trồng cần chọn những củ đạt tiêu chuẩn để ruộng hoa cho năng suất cao, chất lượng tốt và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chăm sóc.
Tiêu chuẩn của củ giống đem trồng bao gồm:
– Củ đồng đều về kích thước.
– Không bị sâu, bệnh.
– Còn nguyên vẹn, không dập nát.
b. Phân loại củ: Phân loại củ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sau trồng và thu hoạch hoa. Dựa vào kích cỡ củ, phân loại củ thành các nhóm sau:
– Củ lớn có đường kính từ 3 – 4 cm.
– Củ trung bình có đường kính từ 2 – 3 cm.
– Củ nhỏ có đường kính 1 – 2 cm
– Củ nhỏ hơn 1 cm.
Tùy vào kích thước củ mà chọn thời điểm xuống giống thích hợp để kịp cho hoa vào các dịp lễ lớn trong năm nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong sản xuất.
Củ giống đạt tiêu chuẩn đem trồng
c. Xử lý củ giống: Xử lý củ giống trước khi trồng nhằm mục đích:
– Tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong củ giống.
– Ngăn cản vi sinh vật gây hại xâm nhập vào củ giống qua các vết thương cơ giới.
– Tăng khả năng sống của cây.
Củ giống bị nấm bệnh
Phương pháp xử lý củ giống:
– Thuốc dùng để xử lý củ giống là các loại thuốc trừ nấm như: Anvil, Topsin, Ridomil, Rovral, Alliette…
Các loại thuốc dùng xử lý củ giống: Rovral và Ridomil
– Pha thuốc theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì.
– Ngâm củ giống ngập trong dung dịch xử lý từ 10 – 15 phút.
– Vớt củ giống vào rổ.
– Hong khô củ giống rồi mới đem trồng.
2.2. Chọn cây giống
Đối với cây nuôi cấy mô, do môi trường nuôi cấy mô và môi trường bên ngoài khác biệt nhau hoàn toàn nên tỉ lệ cây chết cao. Do đó, để tăng tỉ lệ sống của cây cần chọn những cây từ phòng thí nghiệm có những tiêu chuẩn sau:
– Cây con trong bình nuôi cấy đã qua huấn luyện.
– Cây không bị nhiễm nấm, vi khuẩn.
– Cây khỏe, lá xanh.
– Cây phải đạt chiều cao từ 3 – 4 cm.
– Cây giống đang sinh trưởng tốt trong bình, không mang mầm bệnh.
– Tuổi cây giống từ 25 – 3 ngày (tính từ lúc cấy vào môi trường ra rễ).
– Số rễ: 3 – 4 rễ, dài từ 2 – 4 cm.
Sau khi chọn được cây giống từ phòng thí nghiệm, trồng cây con con vào giá thể bao gồm đất, xơ dừa, trấu với tỉ lệ 1:1:1. Đặt cây con vào ruộng ươm có lưới che phủ. Ruộng ươm đảm bảo phải có cường độ chiếu sáng thấp, nhiệt độ mát và ẩm độ cao.
Từ ruộng ươm chọn những cây đạt tiêu chuẩn đem trồng. Tiêu chuẩn cây con đem trồng sản xuất bao gồm:
– Cây khỏe mạnh, không dập nát.
– Ngọn phát triển tốt.
– Rễ không bị tổn thương.
– Cây không bị nhiễm sâu bệnh.
Cây huệ đạt tiêu chuẩn đem trồng
Nguồn: Giáo trình nghề trồng hoa huệ, lay ơn, đồng tiền – Bộ NN&PT NT được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.