CategoriesChăn nuôi thú y Động vật nuôi khác Trùn Quế

Kỹ thuật thu hoạch giun quế

Thu hoạch là khâu cuối cùng của toàn bộ quá trình nuôi. Tuỳ theo mục đích sử dụng của từng hộ gia đình mà chúng ta có thể lựa chọn những phương pháp thu hoạch sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Hiện nay, một số tài liệu đã đưa ra rất nhiều phương pháp thu hoạch giun quế khác nhau như: thu hoạch bằng nhử mồi, bằng đe doạ, bằng ánh sáng, bằng điện… nhưng chúng tôi nhận thấy 2 phương pháp thu hoạch đơn giản và hiệu quả hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất đó là:

1. Phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng

Đây là phương pháp thu hoạch hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất. Ưu điểm của phương pháp thu hoạch này là đơn giản và có thể lấy được kiệt giun, tuy nhiên nó có nhược điểm là mất khá nhiều thời gian nếu lượng chất nền lớn và với điều kiện giun đã ăn hết phân trên lớp bề mặt chất nền. Trước khi thu hoạch 1 ngày ta phải kiểm tra xem Trùn đã ăn hết lượng phân trên bề mặt của chất nền chưa. Chúng ta chỉ khai thác khi giun đã ăn hết lượng phân này

Ta có thể sử dụng 1 tấm bạt hoặc tấm ni lông có khổ rộng trải ra trên mặt đất. Lưu ý là nơi thu hoạch cần phải có nhiều ánh sáng nhưng tốt nhất không nên để trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời vì tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời rất có hại cho giun và có thể làm chết giun. Dùng tay mở tấm đậy ra, bới và bóp nhỏ lớp chất nền trong luống nuôi cho tơi xốp vì trong quá trình nuôi lượng phân giun đã đóng thành từng khối, từng tảng. Xúc phân giun và giun ở trong luống ra đổ thành đống trải đều giữa tấm bạt hoặc tấm ni lông (tốt nhất nên dùng các đồ vật bằng nhựa để xúc, không nên sử dụng các vật nhọn và sắc như: quốc, xẻng…vì nó có thể làm chết hoặc đứt giun). Do giun thường tập trung nhiều trên bề mặt của luống nuôi vì vậy để khai thác nhanh, chúng ta nên chia khối chất nền ra làm hai phần: phần chất nền ở phía trên đổ riêng về 1 phía, phần còn lại đổ sang phía đối diện.

Sau khi xúc phân xong, dùng tay bóp nhỏ những phần phân đóng thành tảng xót lại và vun lên thành ngọn. Dưới tác động của ánh sáng, giun sợ sẽ chui xuống bên dưới. Ta dùng tay bới lớp phân giun ở trên ngọn và hai bên thành đống gạt sang hai bên. Giun lại tiếp tục chui xuống dưới, ta lại tiếp tục bới như trên đã làm, cứ làm như vậy sẽ loại hết được phân giun ra và lấy được toàn bộ lượng giun ở dưới đáy.

2 Phương pháp nhử mồi

Phương pháp này cũng cũng áp dụng khá nhiều trong thực tiễn, người ta thường sử dụng phương pháp này khi muốn san ô nuôi để làm giảm bớt mật độ giun và khối lượng chất nền hiện có ở trong luống. Tuy nhiên, nếu muốn lấy sạch giun trong ô nuôi thì không thể sử dụng phương pháp này mà phải dùng phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng.

Khi quan sát thấy luống nuôi đã hết thức ăn, ta rải 1 lượt mỏng thức ăn mới lên trên bề mặt của khối chất nền. Giun sẽ lập tức tập trung tấn công vào lượng thức ăn mới này. Theo dõi đến khi Trùn ăn gần hết lượng thức ăn này, mở tấm đậy và hớt lấy lớp phân trên bề mặt ta sẽ thu được rất nhiều giun.

Nguồn: Giun quế Ba Vì được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *