CategoriesCây lương thực Sả Trồng trọt

Mô hình trồng sả trắng xuất khẩu ở Mỹ An (An Giang)

Sau nhiều năm đê bao khép kín, đất sản xuất của xã Mỹ An (huyện Chợ Mới – An Giang) bắt đầu có dấu hiệu bạc màu. Trong lúc chờ địa phương tìm hướng giải quyết, người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mô hình trồng sả, vừa cho thu nhập khá, vừa tốn ít công chăm sóc trên diện tích đất bạc màu.

Ông Trần Văn Tuồn, một trong những nông dân đầu tiên ở địa phương, vừa thu hoạch 5,5 công đất trồng sả cho biết: “Tui vừa bán 5 công rưỡi sả, sản lượng 3 tấn/công với giá bao tiêu 4.500 đồng/kg theo đúng hợp đồng bao tiêu với Công ty Sông Ngân (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, P.V). Trừ hết chi phí, vụ sả vừa qua gia đình thu về khoảng 90 triệu đồng”. Đây là vụ đầu tiên, bà con ở xã Mỹ An chuyển đổi trồng cây sả trắng xuất khẩu.

Nhận thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng gia đình ông Tuồn (thành viên Câu lạc bộ Bắp nù xanh) đã mạnh dạn đăng ký trở thành điểm sản xuất mẫu cho bà con trong xã làm theo. Anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần xuống các xã lân cận như Hội An, Hòa Bình, Hòa An gom sả về bán lại cho phía Công ty Sông Ngân nên phần nào thấy được hiệu quả của cây sả. Bên cạnh đó, thấy được mô hình chuyển đổi từ các loại rau màu khác sang cây sả của ông Tuồn đạt hiệu quả, nên lãnh đạo câu lạc bộ bàn nhau thuê vài công đất trồng thí điểm. Đến nay diện tích trồng phát triển rất tốt. Dự kiến, qua Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch với giá bao tiêu ngay từ đầu vụ là 6.000 đồng/kg”. Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích đất thuê trồng sả thử nghiệm tại khu vực thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới). Hai công sả chuẩn bị thu hoạch phát triển rất tốt. Bụi to, cây khỏe. Anh Bình cho hay: “Cây sả được lợi thế phát triển tốt ngay trên diện tích đất bạc màu. Hầu như đất cả vùng này bắt đầu có dấu hiệu cằn cỗi trở lại do đã nhiều năm đê bao chưa xả lũ. Do vậy, trồng những loại cây khác tốn nhiều chi phí phân thuốc, nhất là nước tưới mà hiệu quả bấp bênh. Với cây sả này, đầu ra ổn định do đã có hợp đồng bao tiêu ký kết đàng hoàng mà những chi phí chăm sóc, bệnh (chủ yếu bệnh rệp sáp, P.V) rất ít xảy ra”. Về tiêu chuẩn cây sả, theo bà con ở đây, sả đúng chuẩn đạt cao 5 tấc (từ củ đến thân), độ mập củ đạt từ 2 đến 3 phân trở lên.

Còn tại gia đình ông Lê Phước Thạnh (ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An) có 5 công sả đang phát triển rất tốt cho biết: “Trồng sả trắng ngoài cái lợi về phát triển tốt trên đất bạc màu, không cần lên liếp còn có cái lợi khác là trồng xen những loại cây khác, nhất là cây đậu. Do sả là cây sinh trưởng dài ngày, trung bình khoảng từ 5 đến 6 tháng mới cho thu hoạch, nên trồng xen cây đậu 2,5 tháng rất thích hợp”. Trên diện tích 5 công sả, gia đình ông Thạnh trồng xen cây đậu xanh. Hiện cây đậu xanh vừa mới thu hoạch với lợi nhuận gần 5 triệu đồng/công đậu mà cây sả vẫn phát triển khá. Tết này gia đình ông có thêm trên 20 triệu đồng ăn Tết từ diện tích trồng sả bao tiêu.

Anh Trần Thanh Bình chủ nhiệm Câu lạc bộ Bắp nù xanh giới thiệu ruộng sả trồng thử nghiệm.

Anh Võ Ngọc Phi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An (Chợ Mới) đánh giá: “Việc bà con chuyển đổi sang mô hình trồng sả ở địa phương thời gian gần đây cho thấy tín hiệu vui. Do đặc điểm thổ nhưỡng và điều kiện canh tác hiện nay đang gặp khó nên việc bà con chủ động chuyển đôi giống cây trồng và nhất là tự tìm đơn vị đối tác bao tiêu sản phẩm là cách làm ăn mới, theo đúng xu thế phát triển. Góc độ địa phương, chúng tôi hoan nghênh và tạo điều kiện về mặt chủ trương và chứng thực cho các hợp đồng giữa công ty và bà con”. Còn phía Công ty Sông Ngân, ông Nguyễn Hùng Sinh, đại diện công ty tại An Giang nói: “Trước đây chúng tôi đã có quan hệ làm ăn với bà con với việc liên kết bao tiêu cây bắp nù (giống bắp truyền thống địa phương, P.V) nên việc chuyển sang bao tiêu cây sả trắng cũng rất dễ. Một điểm khác là thổ nhưỡng ở khu vực này giúp cây sả có độ tinh đầu rất tốt, cây khỏe, đẹp nên rất dễ tiêu thụ. Mặt khác, hiện phía đối tác xuất khẩu rất cần mặt hàng sả trắng nên chúng tôi mạnh dạn thu gom và liên kết trồng, bao tiêu đầu ra theo đúng giá thị trường thời điểm thu hoạch. Nếu có điều kiện, chúng tôi dự tính mở rộng với hợp đồng bao tiêu đầy đủ lên vài chục thậm chí khoảng 100 héc-ta diện tích trồng sả trắng”.

Tuy mô hình trồng sả trắng ở Mỹ An chỉ mới dừng ở giai đoạn thử nghiệm, bước đầu thành công đã mở ra hướng đi đúng và phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Nguồn: Việt Linh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *