CategoriesCây công nghiệp và cây rừng Lạc ( Đậu Phộng) Trồng trọt

Cách để Lạc mọc đều

Lạc là cây công nghiệp ngắn ngày, dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể gieo trồng được nhiều vụ trong năm nên cho hiệu quả kinh tế cao đồng thời còn là loại cây góp phần cải tạo đất rất tốt.

Bộ rễ lạc có nhiều nốt sần có thể tổng hợp được đạm từ không khí kết hợp với lượng chất xanh từ thân, lá là nguồn phân hữu cơ giàu đạm cung cấp thêm cho đất, nhất là với những vùng đất bạc màu.

Kỹ thuật trồng lạc thì nhà nông ai cũng biết, tuy nhiên để cho lạc nẩy mầm đều, cây sinh trưởng khỏe, cho nhiều quả, đạt năng suất cao thì không phải nhiều người đều hay. Thời vụ gieo trồng lạc thu đông sắp đến, chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm của một số trồng lạc (đậu phộng) giỏi ở xã Hải Xuân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định để bà con các nơi tham khảo, áp dụng:

– Chọn hạt giống để gieo:

Chọn hạt to, mẩy, đều, màu sắc còn tươi sáng, đúng giống theo yêu cầu thời vụ để gieo. Vì lạc đông cơ bản lấy giống từ nguồn lạc trồng vụ xuân, thu hoạch trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, hạt có chứa nhiều tinh dầu nên rất dễ mất sức nẩy mầm, thường chỉ đạt 70-75% do đó nên kiểm tra lại tỷ lệ nẩy mầm trước khi gieo bằng 2 cách: gieo thử trong cát ẩm hoặc tách nhân hạt để quan sát phôi và 2 lá mầm của giống. Nếu thấy phôi còn màu trắng hồng, lá mầm không có biểu hiện xỉn mốc là hạt còn tốt.

– Xử lý hạt giống trước khi gieo:

Trước khi tách hạt khỏi vỏ nên phơi lại 1-2 nắng nhẹ (30-32oC) để “đánh thức” và tăng thêm sức nẩy mầm cho hạt giống. Ngâm hạt giống cho hút no nước rồi để ráo, ủ cho nứt nanh rồi chọn hạt tốt để gieo.

Kết quả theo dõi của các nhà khoa học Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải miền Trung cho thấy, các loại thuốc bảo quản hạt giống đã ngăn trở các vi khuẩn trong các nốt sần ở rễ tạo đạm từ khí trời để cung cấp thêm cho cây và đất nên thường cho năng suất thấp hơn là những lô hạt giống không có chất bảo quản chống nấm mốc. Do đó, với hạt giống có xử lý hóa chất chống nấm trong quá trình bảo quản, nên ngâm, rửa, thay nước vài lần trước khi ủ nhằm loại bỏ hết các thuốc chống nấm trước khi gieo.

– Trong trường hợp gieo hạt khô không qua ngâm ủ, nên thử lại tỷ lệ nẩy mầm (đạt trên 90%) và nên gieo 1-2 hạt/hốc, chỉ lấp một lớp đất mỏng 3-4cm. Có thể tưới nhẹ đạt độ ẩm đất 65-70% trước hoặc sau khi gieo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hạt nẩy mầm nhanh và đều.

Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *