CategoriesCây ăn quả Roi Trồng trọt

Áp dụng công nghệ mới trong quy trình trồng mận An Phước

Mận An Phước trong nhiều năm qua đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của người dân xã Xuân Hòa (Kế Sách). Những năm trái mận An Phước có giá đã giúp cho hàng trăm hộ dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, để cây cho trái đạt năng suất cao đòi hỏi người trồng phải tốn nhiều công chăm sóc, bởi đây là loại trái dễ bị sâu bệnh tấn công nếu xử lý kỹ thuật cũng như phòng trị không đúng cách xem như vụ mùa sẽ thất thu.

Anh Lê Đức Chỉnh (ấp Hòa Lợi, xã Xuân Hòa, Kế Sách) giới thiệu khu vườn mận bọc trái

Sâu hại là “kẻ thù” chính làm ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như sản lượng trái mận. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ nhà vườn các tỉnh bạn, người trồng mận An Phước ở xã Xuân Hòa đã áp dụng quy trình sản xuất sạch bằng cách bao trái và trùm lưới lên cây. Ghé thăm vườn mận An Phước hơn 6 năm tuổi của anh Lê Đức Chỉnh, ấp Hòa Lợi, xã Xuân Hòa đúng lúc mận đang thu hoạch trái. Có gần 20 lao động đang luôn tay hái trái. Toàn bộ khu vườn mận trái sai trĩu cành, những trái mận đạt độ lớn đồng đều, nằm gọn trong những chiếc bọc sạch bóng.

Đưa tay hái chùm mận đang độ chín mọng, anh Chỉnh tâm tình: “Trước khi chuyển đổi 10 công đất sang trồng mận, tôi trồng xoài, cam, bưởi nhưng giá bán không như ý muốn. Thấy mận An Phước “hot”, tôi đốn bỏ toàn bộ vườn cây có múi để trồng mận. Hơn 2 năm trồng, cây bắt đầu cho trái và năng suất tốt nhất khi cây 3,5 năm tuổi. Dù cây mận có giá tương đối ổn định nhưng vấn đề nan giải đối với người trồng là ruồi vàng, sâu đục trái ảnh hưởng đến năng suất trái vào mùa nghịch, nên phải vất vả bảo quản vườn mận cũng như can thiệp bằng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người làm vườn”.

Qua bao ngày suy nghĩ, anh Chỉnh quyết định lên đường hỏi kinh nghiệm cách bọc trái của nhà vườn ở Tiền Giang (thủ phủ trái mận An Phước) để giữ vững sản lượng. “Đây là vụ mùa thứ 2 tôi áp dụng bọc trái cho mận và thấy rõ hiệu quả khi áp dụng quy trình trên; về trọng lượng trái tăng gấp đôi so với không bao, hạn chế gần 100% ruồi, sâu đục trái, giảm chi phí đầu tư hơn 80%. Điều đặc biệt là giá bán cao hơn từ 10.000 đồng – 20.000 đồng/kg so mận không bao, giúp tăng lợi nhuận trên cùng diện tích” – anh Chỉnh phấn khởi cho biết thêm.

Theo tính toán của anh Chỉnh, nếu chi phí canh tác cây mận theo truyền thống tốn tầm 16 triệu đồng/công từ đầu tư tới thu hoạch, còn mận bọc trái tầm 5 triệu đồng/công. Giá bán mận bên ngoài 14.000 đồng/kg, cùng thời điểm hiện tại thì trái mận được bọc bán 45.000 đồng/kg và được các cơ sở thu mua tới tận vườn hái trái đóng thùng, có thời điểm giá lên đến 55.000 đồng/kg; năng suất trái 6 tấn/1 công, tương đương 60 tấn/năm/10 công. Trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận tầm 450 triệu đồng. Với hiệu quả nêu trên, dự kiến tới đây anh Chỉnh sẽ duy trì việc bọc trái mận cũng như tìm kiếm thêm các doanh nghiệp thu mua trái nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị để nâng giá thành trái mận. Qua đây, anh Chỉnh cũng thấy rõ việc áp dụng kỹ thuật bọc trái trên mận trước tiên giúp bản thân không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, người dùng cũng có được trái mận sạch để ăn không phải lo lắng.

Nếu như anh Lê Đức Chỉnh chọn cách thức bọc mận thì cách đó hơn 6 cây số, anh Mai Hoàng Hải, ấp Hòa Quới, xã Xuân Hòa sử dụng quy trình canh tác cây mận bằng cách trùm lưới toàn bộ diện tích vườn. Trao đổi với chúng tôi, anh Hải thông tin: “Trong 2 mùa vụ rồi, vườn mận chẳng thu hoạch trái được bao nhiêu; hầu như toàn bộ chi phí đổ vào vườn tới lúc hái trái chỉ “phá huề”, có năm bị lỗ, chẳng hạn như năm rồi, mận bị ruồi vàng đục trái rụng gần hết. Trong dịp tình cờ, tôi đến chơi nhà người bạn ở tỉnh Đồng Tháp, thấy vườn mận trái sai trĩu cành, mỗi trái đều to hơn mận tôi trồng dù cùng chung một giống và điều lạ là vườn được trùm kín bằng lưới dày. Qua cuộc trò chuyện thân tình, người bạn hướng dẫn cách hạn chế sâu bệnh cho cây mận trước tiên phải áp dụng kỹ thuật trùm luôn cây và bằng chứng cho thấy là bạn tôi áp dụng nhiều năm rồi năng suất trái tăng gấp đôi”.

Những quả mận căng mọng nước khi được chăm sóc đúng cách

Về lại vườn nhà, anh Hải liền liên hệ với cơ sở chuyên cung cấp lưới đặt may luôn phần diện tích lưới bao phủ toàn bộ diện tích 4 công vườn mận hết 27 triệu đồng. Dù ứng dụng kỹ thuật mới nhưng kể từ lúc mận ra hoa, kết trái bên trong nhà lưới không hề có bất cứ con ruồi, con sâu nào tấn công trái, nên chi phí đầu tư giảm hơn 70% và dự kiến năng suất vụ mận mùa này đạt khoảng 5,5 tấn/1 công, giá bán được cơ sở thu mua bao tiêu là 40.000 đồng/kg. Vì vậy trong vụ thu hoạch mận 2017, chắc chắn anh Hải sẽ thắng lớn khi ước tính thu nhập trên 200 triệu đồng từ cây mận An Phước.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Phan Hải Hoàng Tâm cho biết: “Diện tích mận An Phước trên địa bàn xã là 350ha; trong đó tập trung đều tại các ấp và có khoảng 15ha người dân áp dụng quy trình canh tác mận mới bằng cách bọc trái và trùm cả cây. Đây là kỹ thuật mới, hạn chế gần như 100% ruồi vàng đục trái cũng như giảm thấp nhất chi phí đầu tư. Đồng thời, đầu ra trái mận được cơ sở bao tiêu với giá cao. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật bọc trái tốn khá nhiều công, người dân muốn áp dụng biện pháp trên để bán được giá trước tiên cần phải liên kết được với cơ sở thu mua mới triển khai thực hiện nhằm đảm bảo lợi nhuận. Tới đây, xã sẽ thành lập HTX mận sản xuất theo quy trình VietGAP để đưa trái mận vào các siêu thị lớn”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *