CategoriesNuôi trồng thủy sản Rong biển Rong Sụn

Khánh Hòa: Rong Sụn dễ trồng, đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao

Trước đây, người dân ở một số địa phương ở Ninh Thuận và Khánh Hòa chưa biết đến cây rong sụn. Tuy nhiên, qua nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn học tập kinh nghiệm do Hội Nông dân tổ chức, đến nay đã có hàng chục hộ ăn nên làm ra nhờ trồng rong.

Rong sụn Khánh Hòa

Rong sụn dễ trồng, hiệu quả cao

Trong 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Phước Diêm, xã Cà Ná (huyện Thuận Nam), xã Tri Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) và phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh (Khánh  Hòa) đã mạnh dạn trồng cây rong sụn bởi đây là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và mang lại lợi nhuận cao.

Anh Lê Văn Hoàng (phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh) là người khởi đầu cho phong trào trồng rong sụn của địa phương. Anh Hoàng cho biết, trước đây người dân địa phương chưa biết đến giống cây này. Để có kiến thức, anh đã bỏ công đi học tập cách làm rong sụn của một số địa phương khác để về áp dụng trồng ngay tại địa phương.

Anh Hoàng kể: “Gia đình tôi bắt đầu trồng rong sụn từ năm 2001, khi thực hiện thành công, tôi đã hướng dẫn cho các hộ xung quanh trồng theo. Chính loài cây này đã giúp cho hàng chục hộ làm giàu, có thu nhập ổn định, con cái được học hành tử tế”. Anh Hoàng tính toán, 1ha rong sụn bình quân mỗi năm cho thu hoạch từ 80 – 100 tấn sản phẩm tươi, giá bán ngay tại địa phương 3.000 đồng/kg rong tươi, 21.000 – 22.000 đồng/kg rong khô, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng.

Theo anh Hoàng, cây rong sụn sinh trưởng phát triển rất nhanh, cứ 1 tấn giống ban đầu sau 1 tháng trồng nếu đúng kỹ thuật và gặp thời tiết thuận lợi sẽ đạt năng suất 4 tấn rong, tháng tiếp theo sẽ cho 16 tấn. Trong khi đó, rong sụn có thể làm được 2 vụ/năm. Thông thường, bà con bắt đầu thả giống trên biển từ tháng 7- 8 âm lịch, sau hơn 6 tháng chăm sóc đúng quy trình là sẽ đến vụ thu hoạch.

Thành lập tổ hợp tác trồng rong

Anh Hoàng cho biết mình trồng rong sụn theo phương pháp làm dây đơn trên biển, mỗi dây dài từ 10 – 20m, trên dây gắn giống rong để nuôi. Rong sụn sống hoàn toàn ngoài tự nhiên nên không tốn nhiều chi phí đầu tư, tuy nhiên, theo anh Hoàng, cần kiểm tra thường xuyên giai đoạn phát triển của rong sụn, đồng thời kết hợp làm vệ sinh, thả giống đúng thời điểm, nuôi đúng kỹ thuật thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.

Nhu cầu của thị trường đối với rong sụn rất cao nên anh Hoàng đã đề xuất chính quyền địa phương giúp đỡ thành lập tổ hợp tác do anh làm tổ trưởng. Theo đó, tổ hợp tác đã chính thức đi vào hoạt động tháng 10.2013, đến nay đã có 21 thành viên tham gia, tổng diện tích trồng rong sụn trên 15ha. Bình quân mỗi thành viên thu lãi từ 90 – 100 triệu đồng/năm từ cây rong sụn. Nhiều hộ còn kết hợp nuôi sò, thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba.

Anh Trương Văn Sa Tăng – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phú Bắc cho biết, điều kiện ở địa phương rất thuận tiện để phát triển cây rong sụn, Mặt hàng này hiện không lo đầu ra, giá cả ổn định, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi trồng đơn giản nên người dân thu hồi vốn nhanh. Địa phương xác định đây là loại cây xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên người trồng rong sụn cần chú ý đến các yếu tố nhiệt độ, sự lưu thông dòng chảy và độ mặn để chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *