CategoriesCầy Chăn nuôi thú y Động vật nuôi khác

Mô hình nuôi cầy hương hiệu quả bất ngờ

Tình cờ biết được mô hình nuôi chồn hương ở Quảng Ngãi, anh Tuấn mua giống về phát triển mô hình. Sau 5 năm theo đuổi nghề nuôi đã đem lại thành công hơn mong đợi. Đến nay anh nuôi 22 con chồn hương giống, trong đó có 18 con chồn cái và 4 con đực giống và 30 chồn con, mỗi ngày cho ăn thức ăn khoảng 70.000 đồng.

Đến tham quan trang trại nuôi chồn hương của gia đình anh Nguyễn Phước Tuấn (45 tuổi ở thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi anh xây dựng được mô hình nuôi chồn khép kín ngay tại khu dân cư. Khu vực nuôi chồn hương nằm phía sau căn nhà được anh Tuấn thiết kế thoáng mát.

Trang trại chăn nuôi chồn hương của anh Nguyễn Phước Tuấn

Anh Tuấn kể, năm 2011 anh biết một người dân ở tỉnh Quảng Ngãi nuôi chồn hương. Qua tìm hiểu, anh thấy mô hình đầu tư ít vốn lại phù hợp với vùng bán sơn địa xã Bình Trị. Anh mua 4 con chồn cái và hai con chồn đực với giá 20 triệu đồng và đến cơ quan chức năng đăng ký nuôi.
Sau 2 năm chăm sóc, đàn chồn sinh sản lứa đầu được 14 con. Tuy nhiên kinh nghiệm chưa có nhiều, chồn mẹ cắn chết 8 con. “Ban đầu nên tôi không biết để tách chồn còn khỏi chồn mẹ khi sinh nên nhận phải “trái đắng”. Sau đó mỗi lần sinh sản, tôi đều tách ra nên không bị chết”, anh Tuấn cho hay.
Theo anh, chồn có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc, nó có thể ăn tất cả các loại thức ăn kể cả thực vật lẫn động vật (trừ chuột dú, cóc). Nó thường ăn cháo trắng và chuối vào ban đêm. Quen dần được tập tính của chồn, anh Tuấn tiếp tục mở rộng chuồng trại.
Đến nay anh nuôi 22 con chồn hương giống, trong đó có 18 con chồn cái và 4 con đực giống và 30 chồn con, mỗi ngày cho ăn thức ăn khoảng 70.000 đồng. “Khoảng 10 tháng nuôi chồn thương phẩm sẽ đạt trọng lượng hơn 3kg. Với giá bán là 1,3 triệu đồng/kg, mỗi năm tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nuôi chồn chi phí thấp nhưng lợi nhuận cao, lại nhàn nhã”, anh Tuấn tâm sự.

Mỗi ngày chi phí thứ ăn cho chồn khoảng 70.000 đồng

Theo anh Tuấn, loài chồn này chưa thể thuần chủng được nên vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nhốt chung thường cắn nhau đến chết, vì vậy phải thiết kế những ô để nuôi riêng. Khu vực chuồng trại phải được thiết kế phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chồn.
Đặc biệt, muốn nuôi được một con chồn cái sinh sản thì phải chú ý không để chồn quá mập. Chuồng trại phải được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ để chồn có không gian vận động, có như vậy chồn mới sinh sản nhanh.
“Thường người nuôi không để ý đến những điều này nên nuôi không đạt hiệu quả, chồn cũng không sinh sản được. Ngoài ra chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, định kỳ mỗi tháng xổ giun một lần để chồn háu ăn, mau lớn”, anh Tuấn chia sẻ.
Người nông dân này cho biết thêm, vào mùa nắng phải tưới nước làm mát mái chuồng nuôi, vì chồn chịu được lạnh chứ không chịu được nóng. Khi chồn đẻ con thì phải chú ý quan sát kỹ lưỡng nếu không con lớn sẽ cắn chết con nhỏ. Nuôi được một tháng thì phải tách chồn con ra riêng, để giảm chồn con bị cắn, chồn mẹ mới tiếp tục sinh sản lứa thứ 2.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *