Không giống kiểu chăn nuôi lợn truyền thống, trang trại của Xiang Chengbing ở Trùng Khánh gần như không có mùi và giá lợn thịt xuất bán thì luôn cao hơn 20%.
Không dùng nước, ít phát thải
Trang trại lợn thịt của ông Xiang được quây nuôi thành từng phân khu trong một ngôi nhà hai tầng có sàn làm bằng lưới thép carbon có khe hở để thoát chất thải xuống dưới. Ở tầng trệt của chiếc chuồng nuôi lợn hai tầng này có máy thu gom chất thải tự động và đẩy rác ra bên ngoài.
Dây chuyền chăn nuôi lợn của doanh nghiệp Kim Tân Nông ở Thâm Quyến đã đầu tư 24 triệu USD cho hai trang trại lợn 5 tầng khép kín. Ảnh: Reuters
Điều khác biệt duy nhất là ở mô hình nuôi lợn kiểu mới này là nước tiểu và phân lợn khi dồn xuống tầng trệt tiếp xúc ngay với rơm rạ đã ủ sẵn chế phẩm sinh học nên chất thải được tạo thành nguồn phân hữu cơ giá trị.
“Khi những con lợn được sống hạnh phúc và thoải mái, thịt của chúng sẽ ngon hơn”, ông Xiang vừa nói vừa theo dõi đàn lợn đang nhởn nhơ chơi đùa trên màn hình giám sát từ xa.
Ông Xiang năm nay 55 tuổi, hiện là tổng giám đốc một công ty nông nghiệp sinh thái ở quận Vạn Châu, thành phố đông đúc trên 31 triệu dân Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc. Tổ hợp chăn nuôi của ông đang nằm trong danh sách 86 trang trại chăn nuôi lợn sinh thái được chính quyền thành phố xây dựng bắt đầu từ năm 2018.
Ông Xiang có thâm niên nuôi lợn hơn 20 năm, cho biết đây là lần đầu tiên việc nuôi lợn của ông không dùng đến nước để vệ sinh chuồng trại hoặc tắm rửa cho đàn lợn. Chủ trại lợn này cho biết, bí quyết của việc chăn nuôi lợn không dùng tới nước chính là các chế phẩm sinh học kết hợp với một số loại dược liệu cổ truyền của Trung Quốc được thêm vào thức ăn, giúp cải thiện khả năng miễn dịch của đàn lợn đối với bệnh tật.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi ở Trung Quốc áp dụng mô hình nuôi lợn trong các tòa nhà cao tầng nhằm giảm lãng phí tài nguyên đất và nâng cao khả năng quản lý. Ảnh: Xinhua
Ông Xiang cho biết, những con lợn khỏe mạnh hơn và không bị tiêm thuốc kháng sinh của các trang trại chăn nuôi kiểu mới được bán với giá cao hơn trung bình 20% so với giá thị trường, đồng thời còn tạo thêm giá trị gia tăng là nguồn chất thải có thể được bán làm phân sinh học.
Huyện đi đầu đặt mục tiêu 2,4 tỷ USD
Theo ông Chen Rong, chuyên gia tư vấn của Ủy ban Nông nghiệp và nông thôn của huyện Vạn Châu, các trang trại chăn nuôi lợn truyền thống thường dùng một lượng nước rất lớn để vệ sinh chuồng trại, khi nước bẩn trộn lẫn với chất thải thì rất khó xử lý và gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học còn tạo ra nguồn phân bón giá trị cao phục vụ ngành trồng trọt. Ảnh: Getty
“Và có một điều mà người chăn nuôi ít biết là sau khi chuồng trại lợn được phun rửa bằng nước thì bị ẩm ướt cũng khiến lợn dễ bị ốm bệnh hơn”, ông Chen nói và cho biết thêm, loại chuồng nuôi mới có sàn bằng lưới thép carbon đã tránh được việc sử dụng nước và còn khử được hầu hết mùi hôi.
Ông Chen cho biết, chính quyền địa phương hiện cũng đang xúc tiến việc xây dựng một cơ sở tái chế nước thải chăn nuôi để sử dụng làm nguồn tưới phục vụ ngành trồng trọt.
Yang Bo, chủ một trang trại trồng cam tại địa phương là khách hàng thường xuyên thu mua phân lợn về bón cho 7.000 gốc cam của mình cho hay: “Trước đây chất thải ướt thì rất khó vận chuyển vì thường bị rơi vãi nhưng bây giờ áp dụng mô hình chăn nuôi kiểu mới rất thuận tiện cho chúng tôi và có thể mua phân chuồng với giá thấp hơn phân hữu cơ”.
Quận Vạn Châu đang đặt mục tiêu sản xuất một triệu con lợn sinh thái trong năm 2021 và dự kiến chuỗi công nghiệp này ở địa phương sẽ đạt trị giá 16 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,4 tỷ USD.
Nguồn: Tổng hợp và đã được kiểm duyệt bởi Farmtech.