CategoriesMô hình nông nghiệp

Gieo lạc bằng máy chỉ 15 phút xong 1 sào

Lạc được gieo bằng máy tỷ lệ mọc tốt hơn, khoảng cách đảm bảo và đất được giữ ẩm nên củ mọc đều.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (CETDAE) được Bộ NN-PTNT giao chủ trì dự án khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa SX lạc tại các vùng trồng chính”.

Qua 3 năm triển khai, dự án đã nhận được những tín hiệu rất khả quan từ các địa phương trên cả nước.

Đại biểu dự hội thảo đầu bờ tại xã Liên Minh.

Tham quan mô hình cánh đồng lớn SX lạc L23 trên quy mô 15ha, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định), chúng tôi thấy bà con rất phấn khởi, bởi những hiệu quả mà mô hình đem lại.

Đây là vụ đầu tiên CETDAE phối hợp với Cty CP Tư vấn đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam, UBND huyện triển khai thử nghiệm máy làm đất kết hợp gieo trồng thay thế máy làm đất và công cụ gieo hạt bằng tay đã được triển khai 2 năm trước đây.

Trên diện tích thử nghiệm 7ha, toàn bộ bờ thửa được phá bỏ, ban chỉ đạo tổ chức cắm mốc lộ giới từng hộ. Toàn bộ diện tích lạc được chăm sóc cùng quy trình, thu hoạch chung và sản lượng được chia theo diện tích của từng hộ.

Giám đốc HTX Lương Kiệt, Nguyễn Văn Kế cho biết, mô hình áp dụng cơ giới hóa giúp lạc sinh trưởng, phát triển tốt và hiệu quả hơn. Việc sử dụng máy làm đất kết hợp gieo hạt thay thế cho máy làm đất và công cụ gieo hạt cầm tay giúp bà con tiết kiệm được công lao động, giảm chi phí SX.

Ông Kế phân tích: Gieo hạt bằng tay phải làm nhiều khâu hơn như rạch hàng, tra hạt, lấp hạt, mất khoảng 2 công/sào; còn gieo bằng máy chỉ mất 15 – 20 phút là gieo xong 1 sào (360m2). Lạc được gieo bằng máy tỷ lệ mọc tốt hơn, khoảng cách đảm bảo và đất được giữ ẩm nên củ mọc đều.

Đối với đào củ bằng máy, chỉ mất 20 – 30 phút/sào, trong khi đó nhổ bằng tay phải mất 1 ngày/1 sào (ngày làm 8 tiếng). Như vậy, nếu nhổ lạc bằng máy sẽ tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều.

Về bứt củ, nếu thực hiện bằng tay thì mất khoảng 1,5 công/sào, còn bứt củ bằng máy chỉ mất 20 phút/sào. Qua đó, giúp giảm chi phí và thời gian thu hoạch, nâng cao hiệu quả SX.

“Ngoài những ưu điểm trên, mô hình còn đưa giống lạc mới về địa phương. Giống lạc L23 rất thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây, cây lên đồng đều, khỏe, lạc đều quả, chắc và đẹp mã, năng suất ước đạt khoảng 4,5 – 5,0 tấn/ha.

Trong khi đó, trước đây, địa phương chủ yếu trồng giống lạc Trạm dầu 207, đã bị thoái hóa nên dễ nhiễm sâu bệnh, cho năng suất thấp, chỉ từ 3 – 3,5 tấn/ha. Tính sơ bộ vụ này, chúng tôi thu nhập cao gấp 2 lần mô hình cũ. Vụ tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình để bà con biết và tham gia”, ông Kế nhấn mạnh.

Theo dõi chỉ tiêu năng suất tại ruộng.

Nông dân Vũ Mạnh Tường (đội 3, xã Liên Minh) chia sẻ, trong SX lạc, khâu nhổ lạc và bứt củ lạc là khâu nặng nhọc nhất.

Trước đây, chúng tôi phải thức dậy từ 3 – 4h sáng để đi nhổ lạc, rất vất vả. Từ khi tham gia vào mô hình SX thâm canh và áp dụng cơ giới hóa cho lạc, chúng tôi chỉ cần mang bao tải ra đầu bờ để thu lạc về, tiết kiệm công lao động, chi phí SX.

Ông Bùi Văn Kiên, Q. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vụ Bản đánh giá, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Sử dụng máy liên hoàn làm đất, lên luống, gieo hạt làm giảm 30% chi phí so với làm đất và gieo bằng công cụ đẩy tay.

Đồng thời, áp dụng máy đào củ và máy bứt củ sẽ làm giảm công lao động, rút ngắn thời gian thu hoạch để chuyển sang gieo cấy lúa mùa, giảm chi phí SX, giải quyết bài toán thiếu nguồn lao động và bỏ hoang ruộng đồng.

“Chủ trương đẩy mạnh SX lạc theo hướng thâm canh, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã được UBND huyện quan tâm từ nhiều năm qua. Huyện cũng có chủ trương hỗ trợ các địa phương có diện tích trồng lạc lớn xây dựng các mô hình mẫu từ đó nhân rộng ra các xã trên địa bàn huyện”, ông Kiên cho biết thêm.Phạm Văn Dân, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, chủ nhiệm dự án cho hay, đây là năm thứ 3 trung tâm triển khai dự án tại 5 tỉnh trên địa bàn cả nước. So với cây lúa, cây lạc có những khó khăn hơn trong việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành tốt mục tiêu của dự án đề ra.

Theo ông Dân, để mô hình có thể dễ dàng áp dụng vào SX cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch và tổ chức SX, tạo cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, phải xây dựng các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng để phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ của nhà nước.

Ngoài ra, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu quy trình thâm canh lạc phù hợp với áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và xây dựng mối liên kết “4 nhà” nhằm phát triển các vùng SX lạc đạt hiệu quả cao và bền vững.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *