Ông Lê Văn Nam ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang tìm tòi, học hỏi mở rộng trại nuôi bồ câu thương phẩm, mỗi năm lời hàng trăm triệu đồng.
Trại bồ câu hơn 2.000 con bố mẹ giống lai Pháp được ông Nam bố trí lồng nuôi rất khoa học, chỉ chiếm diện tích khoảng 300 m2.
Nhờ tận dụng đất quanh nhà cùng cách nuôi hợp lý mà ông Nam có trại bồ câu thuộc loại khủng nhất tại vùng Bảy Núi– An Giang.
Để nuôi vừa 1 cặp bồ câu bố mẹ, ông Nam thiết kế lồng theo quy cách sàn rộng 0,6 x 0,6m, cao 0,6m. Các lồng được ông chất chồng lên để không chiếm diện tích trại.
Theo ông Nam, trong quá trình nuôi cần giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn công nghiệp nên chọn loại tốt (thường là loại cho gà đẻ ăn) sẽ đảm bảo dinh dưỡng, cũng không nên cho bồ câu ăn hoàn toàn bằng lúa.
Nhiều năm kinh nghiệm, ông Nam đã tính ra công thức thức ăn của bồ câu hợp lý nhất là gạo lứt cộng với thức ăn cho gà loại tốt mỗi thứ 50% sẽ đảm bảo có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh và đẻ liên tục.
Trong quá trình nuôi, đặc biệt chú ý không được để chuồng dơ vì dễ phát sinh mụn cóc trên bồ câu. Khi bồ câu đẻ không nên lấy trứng ấp bằng máy mà phải cho bố mẹ ấp.
Tuy nhiên, muốn bố mẹ ấp hiệu quả cần lấy cát xây để vô rổ giúp bồ câu ấp đạt tỷ lệ nở cao. Hệ thống nước uống tự động phải được vệ sinh thường xuyên. Bồ câu nuôi đúng quy trình rất ít bệnh.
Ông Nam cho biết, hiện trại mỗi tháng trại ông xuất bán ra thị trường hơn 800 cặp bồ câu ra ràng, chủ yếu đưa về các tỉnh, thành ĐBSCL với giá 80.000 đồng/cặp.
Theo tính toán của ông Nam, chi phí thức ăn, chăm sóc chỉ tốn hơn 20.000 đồng/cặp/tháng nên khi bán một cặp bồ câu ông lời 60.000 đồng. Ngoài ra, nếu khách có nhu cầu mua bồ câu bố mẹ, ông dưỡng đến 6 tháng tuổi sẽ bán từ 250.000 – 300.000đồng/cặp. Như vậy, mỗi tháng ông Nam thu lời từ bồ câu gần 50 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.
Nguồn: Tổng hợp và đã được kiểm duyệt bởi Farmtech.