CategoriesNông nghiệp bền vững Sản phẩm - Thị trường

Công nghệ sinh học nâng sức cạnh tranh cho hàng nông sản

Mở rộng ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh Vĩnh Long. Giai đoạn từ nay đến năm 2015, Vĩnh Long tập trung xây dựng đề án phát triển CNSH thành một ngành kinh tế kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 60 tổ chức khoa học và công nghệ. Trong đó, có trên 10 tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH cùng với mạng lưới 4 hợp tác xã nông nghiệp, 59 tổ hợp tác và trên 5.800 hộ tham gia sản xuất giống lúa, 1 trại giống cây ăn trái và 128 cơ sở sản xuất giống cây ăn trái trong dân quy mô 1,73 triệu cây/năm; 119 cửa hàng giống rau màu, trung tâm cung cấp giống lợn, bò, gia cầm; trên 210 cơ sở ươm cá giống, nhân giống tôm càng xanh. Các cơ sở đã thực hiện 18 đề tài liên quan đến ứng dụng CNSH tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tuyển chọn và đưa vào sản xuất 10 giống lúa mới ngắn ngày, 5 giống rau màu mới, 11 giống cây ăn trái và các giống gia súc lai tạo góp phần cải thiện chất lượng con giống địa phương.

Tuy nhiên, điểm hạn chế trong nghiên cứu, ứng dụng CNSH của Vĩnh Long thời gian qua là chưa tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư. Nhiều đề tài, dự án về CNSH chỉ mang tính nghiên cứu, thử nghiệm, chưa ứng dụng vào sản xuất đại trà mang lại hiệu quả cao. Mạng lưới nhân giống quy mô nhỏ, phát triển chưa ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Từ nay đến năm 2015, Vĩnh Long sẽ mở rộng khai thác, đa dạng nguồn vốn để tạo sự chuyển biến rõ nét trong đầu tư phát triển CNSH, tạo ra những sản phẩm thiết yếu thúc đẩy kinh tế phát triển. Tỉnh đã xây dựng cơ cấu vốn đầu tư phát triển CNSH trong đó vốn Nhà nước (Trung ương và địa phương) chiếm tỷ lệ 70%, vốn tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế 10% và vốn mời gọi đầu tư qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chiếm tỷ lệ 20%; thu hút các nguồn vốn đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, ứng dụng CNSH.

Từ nay đến năm 2010, Vĩnh Long tăng cường phân bổ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án về CNSH chiếm tỷ lệ từ 25-35% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm; bố trí ưu tiên cho các dự án sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, thủy sản năng suất, chất lượng cao và kháng sâu bệnh, sản xuất chế pham sinh học dùng trong nông nghiệp, môi trường và sản xuất các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm bằng CNSH. Bằng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, môi trường đầu tư…, tỉnh khuyến khích thành lập các đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất tạo ra sản phẩm.

Trong đề án phát triển CNSH giai đoạn 2007-2015, Vĩnh Long tập trung phát triển tiềm lực CNSH. Trong đó, thành lập Trung tâm CNSH; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm của Trung tâm giống thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng thí nghiệm của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc Sở Khoa học- Công nghệ, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc-mỹ phẩm-thực phẩm… Hai lĩnh vực được tỉnh tập trung ứng dụng CNSH là: chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp và trong công nghệ chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm như: gạo, trái cây, thủy sản.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có trên 50 cán bộ có trình độ thạc sĩ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến CNSH, trong đó chủ yếu được bố trí công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước nên chưa phát huy hiệu quả chuyên môn. Từ năm 2007, tỉnh thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học theo 2 hướng: đào tạo đội ngũ cán bộ đầu đàn chuyên ngành có trình độ tiến sĩ và đào tạo đội ngũ nhân lực cần thiết 100 người có trình độ thạc sĩ, đại học và kỹ thuật viên chuyên ngành ở 3 lĩnh vực: CNSH nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, môi trường. UBND tỉnh giao cho các Sở, ngành như: nông nghiệp, công nghiệp, y tế xây dựng chương trình, dự án về CNSH ứng dụng cho ngành mình, đẩy mạnh đưa CNSH vào thực tiễn và phát triển thành một ngành kinh tế-kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Long.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *