CategoriesNông nghiệp bền vững

VietGAP có gì khác với JGAP và GlobalGAP ?

VietGAP, GlobalGAP, JGAP có gì khác biệt?

GAP là viết tắt của cụm từ “Good Agricultural Practices” nghĩa là Thực hành tốt nông nghiệp.

GlobalGAP (Good Agricultura Pratices)

Đây là tiêu chuẩn Toàn cầu do hơn 80 Quốc gia đặt chung và lấy tên là GlobalGap để đề ra tiêu chuẩn chung sản xuất trong ngành Nông nghiệp bao gồm Trồng trọt, chăn nuôi thủy hải sản.

GlobalGAP với hơn 100 tiêu chí kiểm soát, theo đó yêu cầu các nhà sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Chẳng hạn như phải làm sạch nguồn đất, đảm bảo độ an toàn nguồn nước; giống cây trồng, vật nuôi được chọn cũng là giống sạch bệnh bởi nếu giống không an toàn sẽ ảnh hưởng nhiều tới năng suất, chất lượng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đảm bảo là những thuốc trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng.

Ngoài ra, người sản xuất phải ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản để phòng ngừa khi xảy ra sự cố như là ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và có thể truy nguyên được nguồn gốc.

Có thể thấy, để một mặt hàng nông nghiệp đáp ứng được GlobalGAP nghĩa là được thừa nhận đảm bảo chất lượng trên toàn cầu thì mặt hàng đó phải trải qua một hệ thống kiểm soát vận hành nghiêm ngặt, tối ưu nhất, và chưa kể đến việc phải bỏ ra một khoản chi phí đáng kể.

Chính từ ưu điểm và một số khó khăn hệ thống này, một số nước đã dựa trên GlobalGAP để xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng để phù hợp với tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Pratices)

Năm 2008, tiêu chuẩn VietGAP đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, dựa trên 4 tiêu chí như:

  • Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất.
  • An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.
  • Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân.
  • Truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Hệ thống này bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể, tuy nhiên hiện nay vẫn còn gặp một số bất cập như quản lý kiểm soát chưa chặt chẽ, người nông dân chưa hưởng ứng triệt để làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do thói quen nông nghiệp lạc hậu, và chi phí duy trì, tái đánh giá,v.v..

JGAP (Japan Good Agricultural Practices)

Tương tự, JGAP là bộ tiêu chuẩn của Nhật Bản được xây dựng vào năm 2007. Ngay từ khi mới ra đời, JGAP đã được công nhận là bộ chuẩn đạt chất lượng tương đương tham chiếu với GlobalGAP.

Như đã biết, bên cạnh thị trường nổi tiếng kiểm soát về chất lượng sản phẩm là EU thì Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường có những quy định riêng nghiêm ngặt hơn nữa. Đó là lý do bộ chuẩn JGAP được quy định với hơn 130 tiêu chí kiểm soát đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng đầu thế giới.

PHẠM VI – SỰ KHÁC BIỆT

Như vậy sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ được thừa nhận trên thị trường Việt Nam.

Sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay các tiêu chuẩn tương đương (JGAP) sẽ được thừa nhận trên quy mô toàn cầu, dễ dàng được chấp nhận bởi các nhà phân phối lớn và thâm nhập các thị trường khó tính. Sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP sẽ được nhận biết thông qua hệ thống định vị tọa độ địa lý toàn cầu, tham gia hệ thống dữ liệu toàn cầu, đảm bảo truy xét nguồn gốc nên có thể trở thành đối tượng của thương mại điện tử.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *