CategoriesNuôi trồng thủy sản Tôm Tôm Sú Tôm Thẻ Chân Trắng

Kiểm soát khí độc ao tôm và sử dụng vi sinh hiệu quả

Trong ao nuôi thâm canh, một trong những vấn đề khó khăn nhất là việc kiểm soát khí độc hình thành trong quá trình nuôi tôm đó là NH3, NO2 và H2S.

Nhân viên Skretting cùng khách hàng kiểm tra ao tôm 

NH3 là sản phẩm của sự trao đổi chất của động vật thủy sản trong ao (được thải qua mang và bài tiết), nó cũng hình thành từ sự phân hủy thức ăn thừa (rất giàu đạm), các chất hữu cơ trong nước và chất thải của động vật. Thực tế, chỉ khoảng một nửa nguồn Nitơ trong thức ăn khi tôm sử dụng được chuyển hóa vào xây dựng cơ thể và một nửa còn lại sẽ được thải ra môi trường nước ở các dạng khác nhau.

Lượng NH3 trong ao nuôi tồn tại dưới dạng kết hợp (NH4/NH3). Tùy theo pH của nước mà tồn tại ở dạng NH3-N (rất độc) hay NH4-N (ít độc hơn). pH của nước càng cao thì NH4/NH3 sẽ tồn tại ở dạng NH3 nhiều hơn và gây độc cho tôm (tại pH>8,5, NH4 sẽ chuyển sang dạng NH3 hoàn toàn). Tuy nhiên, ngay ở dạng NH4-N ít độc hơn nhưng cũng làm gia tăng áp lực đối với tôm, làm gia tăng căng thẳng, tôm cá dễ bị bệnh hơn và có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thấp hơn.

Trong ao nuôi, NH3 được hấp thụ theo 3 cơ chế sau:

Được tảo sử dụng: Các loại tảo xanh cần sử dụng Nitơ để tạo tế bào trong quá trình quang hợp;

Được sử dụng bới hệ vi sinh tự dưỡng tiêu hủy hợp chất Carbon. Các nhóm vi khuẩn này phân hủy các chất thải, vật chất hữu cơ và cần sử dụng Nitơ (tốt nhất là NH3 – amoniac) để xây dựng các tế bào mới và tiêu thụ một lượng đáng kể ammonia;

Được sử dụng bởi hệ vi sinh ôxy hóa amonia (Nitrosomonas và Nitrobacter). Chúng đòi hỏi đủ ôxy và pH thích hợp và phát triển rất chậm, chúng hiệu quả trong việc chuyển hóa NH3 – amoniac qua một quy trình hai bước thành NO2 – nitrit đầu tiên (Nitrosomonas) và sau đó tiếp tục chuyển hóa NO2 – nitric thành NO3 – Nitrate ít độc hơn (Nitrobacter).

Hiện nhiều công ty bán sản phẩm có chứa hỗn hợp nhóm vi khuẩn ôxy hóa amonia (Nitrosomonas và Nitrobacter).  Một câu hỏi đặt ra, việc bổ sung nhóm vi khuẩn ôxy hóa amonia để chống lại lượng amonia cao trong ao có thực sự hiệu quả như chúng ta mong đợi?

Sản phẩm vi sinh chứa nhóm vi sinh ôxy hóa amonia cần phải được cô đặc và làm lạnh để có được dạng sống “tạm chết” từ 3 – 6 tháng. Bất kỳ sự tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc đóng băng sẽ giết chết phần lớn nhóm này trong sản phẩm. Vì vậy, chất lượng sản phẩm này như thế nào nếu lưu giữ ở nhiệt độ phòng? Ngoài ra, nhóm vi sinh này khỏe mạnh trong ao cũng chỉ đóng góp một phần trong việc loại bỏ amonia.

Vậy nông dân có những lựa chọn nào cho vấn đề amonia? Amonia có thể được kiểm soát tốt trước tiên phải thông qua quá trình giám sát chặt chẽ ao nuôi, kiểm soát lượng thức ăn, loại bỏ chất thải hằng ngày để duy trì nước trong ao sạch, duy trì pH không cao hơn 8,3, hàm lượng ôxy cao hơn 5 ppm, duy trì sự hiện diện của tảo trong ao, duy trì độ mặn cao để giảm tính độc của NO2.

Bổ sung nguồn vi sinh với nhóm vi khuẩn tự dưỡng Bacillus sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là cố gắng cung cấp nhóm ôxy hóa amonia (Nitrosomonas và Nitrobacter) vì khả năng nhân sinh khối nhanh và ít nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường. Chúng cũng hiệu quả hơn trong việc phân hủy các chất hữu cơ trong ao vì chúng sử dụng nguồn hữu cơ để xây dựng cơ chất. Ngoài ra, nhóm vi sinh này sống tốt hơn ở dạng ngủ đông trong các sản phẩm vi sinh trên thị trường (trong khi việc cô đặc ở dạng “tạm chết” của nhóm ôxy hóa amonia Nitrosomonas và Nitrobacter vẫn còn nhiều nghi ngờ).

Vì vậy, trừ khi có các yếu tố đặc biệt và các vấn đề amoniac quan trọng, việc bổ sung các vi khuẩn ôxy hóa amonia thực sự hiếm khi cần trong nuôi trồng thủy sản. Nông dân thêm vào một sự cân bằng các vi khuẩn tự dưỡng cùng với việc duy trì mật độ tảo để  giúp phân hủy chất thải trong ao. Đối với việc bổ sung vi khuẩn tự dưỡng cần thực hiện sớm trước khi ao trở nên mất cân bằng. Với liều lượng thường xuyên trong suốt vụ nuôi (khi thức ăn và sinh khối tăng cao), ao sẽ vẫn cân bằng sinh thái tốt hơn và tôm sẽ bị stress ít hơn.

Nhóm vi khuẩn tự dưỡng Bacillus cần năng lượng từ nguồn Cacbon hữu cơ và nguồn Nitơ (NH4/NH3, NO2) để tổng hợp protein cho việc xây dựng tế bào. Nếu nguồn Carbon hữu cơ có sẵn thì việc chuyển hóa Nitơ sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Chính vì vậy, để thúc đẩy quá trình tiêu thụ nguồn Nitơ, chúng ta có thể cung cấp thêm nguồn Carbon hữu cơ vào trong ao và rỉ đường là một lựa chọn lý tưởng vì giá thành rẻ, hàm lượng Carbon hữu cơ cao mà không chứa hợp chất Nitơ (acid amin).

Nguồn: Contom.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *