CategoriesKỹ thuật nông nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao Nuôi trồng thủy sản

Nuôi đặc sản cá chim vây vàng bằng lồng Na Uy

Nuôi biển đối với các tỉnh Nam Trung Bộ là một hướng đi cần biến thành chiến lược quốc gia khi địa lý hiếm nơi nào sánh được: Bờ biển dài, nước trong sạch, độ mặn phù hợp, nhiệt độ các mùa ít chênh lệch, nhiều vịnh sâu và kín gió…

Lồng nhựa HDPE lắp ráp theo công nghệ Na Uy độ bền tối thiểu 50 năm dưới biển sâu chống chịu được bão cấp 12. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (sau đây gọi tắt là Viện I) đã hoàn toàn làm chủ công nghệ. Công nghệ đang được áp dụng nuôi đặc sản cá chim vây vàng trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và đang được chuyển giao cho một số doanh nghiệp trong, ngoài nước…

Mô hình nuôi biển theo công nghệ hiện đại của Na Uy.

Khu vực nuôi cá lồng của Viện I rộng 10ha, gồm 20 lồng tròn nuôi cá chim vây vàng thương phẩm và một số lồng vuông nuôi cá giống bố mẹ, nuôi thử nghiệm một số loài đặc sản khác. Lồng được sản xuất bằng chất liệu nhựa chịu lực kết nối với nhau và với neo giàn. Hệ thống cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ nơi môi trường nước trong sạch, đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh.

Anh Phạm Đức Phương, chuyên gia kỹ thuật của Viện I cho biết Viện đã hoàn toàn tự lắp đặt lồng nuôi theo công nghệ Na Uy với giá thành chỉ trên 300 triệu đồng đối với lồng tròn thể tích 2.500m3, rẻ bằng 1/3 so với nhập khẩu.

Lồng thiết kế chịu được bão cấp 12, thực tế siêu bão Damrey càn qua vịnh Vân Phong hồi đầu tháng 11/2017 gió giật cấp 14 – 15 đánh tan nát mọi lồng bè thông thường thì hệ thống lồng của Viện I vẫn chống chịu được, không bị hư hỏng, chỉ bị xê dịch đôi chút do nước cuốn các bè tôm cá khác xô đập vào.

Giữ lồng là hệ thống 4 cục neo mỗi cục nặng 4 tấn. Chu vi lồng 60m với khung là hệ thống ống nhựa HDPE không bị ăn mòn, gỉ sét, độ uốn dẻo cao nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc. Lồng có hai lớp lưới, lớp ngoài siêu bền và hệ thống lưới được thay dọn vệ sinh định kỳ dễ dàng. Khoảng cách giữa các lồng tối thiểu 100m để đảm bảo mật độ phù hợp không gây ô nhiễm. Đây là mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn VietGAP.

Trang trại nuôi biển của Viện I cho sản lượng 200 – 250 tấn/năm

Theo PGS.TS Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, chỉ khi quản lý được chất lượng, sản phẩm có độ đồng đều cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thì mới có cơ hội xuất khẩu vì thị trường ngày một khắt khe. Trang trại nuôi biển của Viện cho sản lượng 200 – 250 tấn/năm, nhờ quản lý nuôi tốt phần lớn sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và các nước Trung Đông…

Tính toán của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I thì giá thành nuôi cá chim vây vàng bằng lồng công nghệ Na Uy bao gồm cả khấu hao lồng và tàu thu hoạch, vận chuyển cá, vào khoảng 80 – 85 nghìn đồng/kg, trong khi giá bán cá tại bờ ổn định 125 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 1/3 doanh số, khá ổn định, rủi ro thấp.

Nguồn: Tổng hợp và đã được kiểm duyệt bởi Farmtech.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *