Không để gia đình lâm vào tình cảnh trắng tay, nợ nần khi lũ dữ từ thượng nguồn ập về, nhiều nông dân ở Quảng Ngãi đã mày mò tìm ra nhiều phương cách bảo vệ sản xuất ngay giữa mùa mưa lũ…
Chiếc lồng bè nuôi cá bằng inox do ông Trần Kim Sanh (Quảng Ngãi) sáng chế.
Sau đợt lũ lớn đầu tháng 12, chúng tôi trở lại thôn Phước Lộc Tây (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) – nơi được xem là rốn lũ ở Quảng Ngãi. Sông Trà Khúc hết lũ đã 4 ngày, nhưng đường làng, ngõ xóm vẫn ngập nước. Những người dân nuôi cá chình trên sông Trà cho biết, nhờ sáng kiến của ông Trần Kim Sanh, Trưởng Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè sông Trà Khúc, mà kỳ này chống lũ đỡ cực. Bằng kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn, ông Sanh đã mày mò và sáng chế ra những chiếc lồng bè nuôi cá bằng inox.
Những năm về trước, lũ thượng nguồn sông Trà Khúc đổ về cũng là lúc mọi người trong thôn Phước Lộc Tây kéo nhau ra sông, bất chấp nguy hiểm lao mình ra dòng lũ dữ, dùng dây buộc chặt các lồng bè nuôi cá làm bằng gỗ, tre, lưới… lại với nhau, nhằm níu giữ những con cá nuôi trong lồng. Nhưng nước lũ ở mức báo động 2 thì chống đỡ được, chứ lũ tiếp tục dâng cao và kéo dài thì lồng bè nuôi cá đều bị dòng lũ đánh tan hoặc cuốn trôi.
Ông Trần Kim Sanh ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) là một trong những người tiên phong nuôi cá lồng bè và cũng là người đầu tiên thay đổi chất liệu lồng nuôi cá. Ông Sanh cho biết, mùa mưa lũ mang lại nguồn thủy sản tự nhiên phong phú, tuy nhiên nỗi lo đối với nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè là thường bị thiệt hại lớn về tài sản. Lý do là những chiếc lồng bè bằng tre dễ bị mục nát, làm thất thoát cá trong lồng.
Ông Sanh mày mò cải tiến từ lồng bè bằng khung tre, gỗ sang dùng khung inox với kích thước nhỏ hình chữ nhật, gọn, có thể tích 12m³ nước, mật độ thả 500 con cá/lồng. Thay vì dùng lưới, ông lắp ghép quanh khung lồng những tấm inox đã khoan sẵn nhiều lỗ nhỏ li ti để nước sông tràn vào bên trong lồng, tạo ôxy cho cá thở. Phía trên lồng cá, ông dùng tre, ván khép nối lại để phần bè nổi trên mặt nước và bỏ thức ăn cho cá.
Ngoài ra, ông Sanh còn dùng dây neo giữ lồng cá vào tận nhà, khi nước sông dâng đến đâu dây neo kéo giữ đến đó, lồng không bị trôi. Ông Sanh chi gần 25 triệu đồng/lồng bè, cao hơn lồng bè khung tre, gỗ khoảng 1,5 – 2 lần, nhưng lồng inox sử dụng bền lâu, không bị gỉ sét trong vòng hơn 10 năm. Hiện các hộ nuôi cá lồng ở thôn Phước Lộc Tây đều học cách làm lồng bè như ông Sanh và mọi người sắp thu hoạch vụ cá sau mùa bão lũ được mùa, giá cao.
Nhờ linh hoạt trong việc thay đổi chất liệu lồng nuôi cá, trong mùa mưa bão năm nay, số lượng cá nuôi của ông Sanh ít hao hụt, 3 lồng bè nuôi cá chình và cá trắm cỏ vẫn giữ vững được năng suất. Ông Sanh cho biết, lượng cá xuất ra thị trường hằng năm khoảng 1-2 tạ, thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Thành Chín (cũng ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn), có kinh nghiệm gần 10 năm nuôi cá lồng bè ở sông Trà Khúc, chia sẻ: “Từ khi chuyển sang lồng inox, tôi rất yên tâm. Lồng cá được bảo đảm, không sợ cá bị hao hụt. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập trung bình khoảng 150 triệu đồng, nhờ đó kinh tế dần cải thiện”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn Nguyễn Thành Vy, cho biết: “Nghề nuôi cá trong lồng bè, đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn để các hộ dân đầu tư thay lồng tre bằng lồng inox. Việc người dân chuyển từ lồng bè bằng tre sang lồng bè bằng inox đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm đáng kể thiệt hại trong mùa mưa lũ”.
Nguồn: Báo Quãng Ngãi được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.