CategoriesCây công nghiệp và cây rừng Thuốc Lá Tin tức nông nghiệp Trồng trọt

“Đổi đời” nhờ trồng cây thuốc lá

Mô hình trồng cây thuốc lá ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) chính là một trong những hướng đi hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Do là cây công nghiệp ngắn ngày lại cho thu nhập cao nên nhiều năm nay, các hộ gia đình ở xã đã “thay da đổi thịt”, từng bước xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc.

Cây thuốc lá phủ xanh Phù Ngọc

Phù Ngọc là xã vùng 2 của huyện Hà Quảng, có 856 hộ dân chiếm phần đông là người dân tộc Tày, Nùng, Mông nên việc thay đổi tập quán và tư duy canh tác là rất khó. Nhận biết được điều đó, năm 2012 xã Phù Ngọc đã kết hợp với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho trồng thử nghiệm 160ha cây thuốc lá. Đến nay cây thuốc lá đã lan rộng khắp toàn xã với diện tích là 169ha. Trong đó có 18ha cây thuốc lá chất lượng cao tập trung ở bản Bó và bản Chá với hơn 80 hộ dân tham gia.

Anh Nông Văn Hùng ở bản Cốc Chủ cho biết: “Mỗi vụ gia đình tôi trồng 1000 cây thuốc lá, trừ đầu tư cũng lãi được 15 triệu đồng. Năm vừa rồi mỗi cân lá thuốc lá phơi khô có giá là bán 45 nghìn đồng, công ty họ đến tận vườn mua nên gia đình tôi cũng có của ăn của để, không lo đói như trước kia nữa”.

Theo anh Hùng, đây là một trong những cây mũi nhọn giúp bà con thoát nghèo, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Hiện bản Cốc Chủ có hơn 100 hộ dân, đa số các hộ dân trồng cây thuốc lá. Để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, hiện bản Cốc Chủ đã cho xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng. Với loại cây ưa nước này, việc đáp ứng nhu cầu tưới tiêu là rất quan trọng. Ngoài xã Phù Ngọc, các xã khác như Đào Ngạn, Hạ Thôn… cũng đang áp dụng mô hình và mở rộng diện tích.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện và Chi nhánh Viện Kinh tế – Kỹ thuật Thuốc lá tại Cao Bằng còn chủ động đến tận vườn hướng dẫn cách lên luống, che phủ nilon để giữ độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ mọc, dùng thuốc diệt chồi hợp lý… theo từng giai đoạn. Đặc biệt, bà con được hỗ trợ giống, nilon che phủ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Tương tự ở bản Cốc Chủ, các hộ dân ở bản Bó cũng đang tích cực chăm sóc đồng ruộng của nhà mình. Chị Đàm Thị Xuân đang cuốc đất, chia sẻ với chúng tôi: “Nhà tôi năm nay trồng hơn 4000 cây thuốc lá. Do bản Bó có chất đất tơi xốp lại hợp với thổ nhưỡng nên cây thuốc lá tăng trưởng rất nhanh. Mọi năm cứ đến cuối tháng ba (âm lịch) là cây thuốc lá đã cho thu hoạch rồi, năm nay hạn hán nên cây phát triển chậm hơn.

Riêng năm ngoái, thu nhập từ cây thuốc lá gia đình tôi được 30 triệu đồng. Sau khi thu hoạch xong bà con lại tập trung cấy thêm một vụ lúa nữa. So với trồng lúa nước, trồng cây thuốc lá kinh tế hơn rất nhiều”.

“Lột xác” nhờ cây thuốc lá

Hiện tại trên toàn xã, cây thuốc lá hầu như đã phủ kín khắp ruộng đồng. Với loại cây đem lại hiệu quả kinh tế như hiện nay, bà con dân tộc thiểu số đã từng bước thay đổi tư duy, tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cũng vì lý do đó nên nhiều gia đình ở xã Phù Ngọc đã phất lên, giàu có trông thấy. Nhiều hộ đã sắm được ti vi, xây được nhà, đời sống của bà con nhân dân đã từng bước xóa được nghèo. Các hộ gia đình coi đây là cây thu nhập chính, không thể thay thế bằng cây khác.

Theo chị Xuân, hàng năm cứ đến vụ thu hoạch, Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá (Vinataba) lại đến tận vườn thu mua. Hiện tại họ còn đầu tư phân bón, khâu chăm sóc và kỹ thuật nên bà con rất tin tưởng. Về khâu chăm sóc kỹ thuật, chỉ cần thấy cây thuốc phát bệnh là có cán bộ đến ngay. Gia đình chị Xuân có hơn 2000 mét vuông đất tốt nên khâu chăm sóc cũng như quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật, về cơ bản chị đã nắm được thuần thục.

Kế ruộng của gia đình chị Xuân, ông Dương Văn Năm (Phó thôn kiêm công an viên bản Bó) đang dẫn nước vào ruộng. Khi được trò chuyện, ông Năm cho hay: “Nhà tôi năm nay trồng 5000 cây thuốc lá nên tốn rất nhiều công chăm sóc. Quá trình chăm sóc cũng phải trải qua bốn đến năm tháng mới cho thu hoạch. Được cái giá cả ổn định nên bà con họ rất tin tưởng vào chủ trương của cấp ủy, chính quyền. Hiện ít mưa, đất lại khô cằn nên tôi cứ phải tưới nước thường xuyên. Năm vừa rồi giá cả ổn định, trừ chi phí đầu tư, cây thuốc lá cũng cho thu nhập chính là 40 triệu đồng”.

Theo ông Năm, ở bản Bó có 91 hộ dân, trong đó có 50 hộ dân tham gia vào việc phát triển kinh tế từ cây thuốc lá. Nhờ vậy, nhiều năm qua cuộc sống của bà con đã thay đổi. Hiện trong bản chỉ còn 30 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo sẽ tiếp tục giảm từ mô hình trồng cây thuốc lá.

Chủ tịch xã Phù Ngọc Lã Hoài Bắc cho biết: “Năm 2015, xã Phù Ngọc gieo trồng 169ha thuốc lá, đạt 103,7% kế hoạch (KH), tăng 5,6ha so với năm 2014. Tuy nhiên, do thời tiết hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển cây trồng, năng suất đạt 22,2 tạ/ha, đạt 94,5% KH; sản lượng 375,2 tấn, đạt 97,8% KH”.

Theo ông Bắc, xã Phù Ngọc đang phối hợp với Viện Kinh tế Kỹ thuật thuốc lá tập huấn cho nông dân 14 xóm về áp dụng khoa học kỹ thuật trồng thuốc lá; cung ứng 147.380kg phân bón, 800 lọ thuốc diệt chồi; hỗ trợ vay 195 ống dẫn nhiệt lò sấy. Năm 2016, xã Phù Ngọc phấn đấu mở rộng diện tích trồng thuốc lá với 530 hộ đăng ký trồng. Xã cũng đã cung ứng cho nhân dân 125,44kg phân bón, 1.000 lọ thuốc diệt chồi.

Để đảm bảo cho vụ sản xuất thuốc lá năm 2016 đạt và vượt kế hoạch, xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân đăng ký giống, hướng dẫn bà con thực hiện tốt các chính sách đầu tư, quy trình kỹ thuật đảm bảo thâm canh cây thuốc lá, tăng giá trị trên đơn vị diện tích; phối hợp với đơn vị bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cả hợp lý.

Qua quá trình thực hiện mô hình, cây thuốc lá đã mang lại hiệu quả nổi bật cho địa phương. Hiện xã Phù Ngọc có nhiều hộ như Hoàng Văn Lương, Hoàng Thị Nậm, Hoàng Văn Đồng đã cho thu nhập từ 45 – 100 triệu đồng/năm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc phát triển kinh tế từ cây thuốc lá nên đời sống của bà con đã thay đổi từng ngày. Việc trồng cây thuốc lá cũng chính là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thực hiện hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Nguồn: Baophapluat.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *