CategoriesCam Cây ăn quả Tin tức nông nghiệp Trồng trọt

Trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ ở Hậu Giang

Cây ăn trái không hạt được nhiều nhà vườn có xu hướng lựa chọn để canh tác vì nhiều ưu điểm vượt trội. Mới đây, UBND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã cho nhà khoa học trồng thử nghiệm cam mật không hạt trên địa bàn để tìm thêm một loại cây mới có hiệu quả kinh tế cao cho người dân áp dụng.

Ông Trần Văn Tiên cải tạo 7 công vườn tạp để trồng thử nghiệm cam mật không hạt.
Thạc sĩ Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”, cho hay dự án được thực hiện tại xã Hòa An, với quy mô 5ha. Mục tiêu của dự án là mong muốn xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Cùng với đó là tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc để nông dân dần làm quen với phương pháp canh tác cam mật không hạt theo hướng hữu cơ.

Anh Tiên bỏ vườn tạp để trồng cam mật không hạt

Được biết, sở dĩ chủ nhiệm dự án chọn nơi đây thử nghiệm, bởi Phụng Hiệp luôn là một trong 3 địa phương có diện tích và sản lượng cây có múi lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, sản phẩm cây có múi của Phụng Hiệp còn yếu sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mà nguyên nhân cốt lõi là do kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đồng bộ, tỷ lệ trái đạt tiêu chuẩn quốc tế còn thấp. Ngoài ra, do nông dân quen canh tác theo tập quán, công nghệ lạc hậu, còn sử dụng giống tạp và chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nên năng suất thấp. Hơn nữa, chi phí sản xuất cao làm giảm tính cạnh tranh và việc quảng bá hình ảnh còn hạn chế…
Với những vấn đề còn tồn tại trên, dự án của thạc sĩ Hạnh sẽ hướng người dân đến một phương pháp canh tác mới tốt hơn để cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc đầu tiên là chọn cây giống chất lượng, sạch bệnh được nhân giống tại Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Vị trí trồng thử nghiệm cam được tiến hành phân tích các chỉ tiêu như độ pH, hữu cơ, Arsen (As), Cadimi (Cd), chì (Pb), đồng (Cu), kẽm (Zn). Nước tưới thì phân tích độ pH, thủy ngân (Hg), Cadimi (Cd), Arsen (As), chì (Pb) để đảm bảo độ an toàn. Đất trồng được cải tạo cẩn thận, dọn cỏ, xới đất, đào rãnh thoát nước, xây dựng vùng đệm cách ly giữa khu canh tác theo kiểu thông thường và khu canh tác theo hướng hữu cơ…
Thạc sĩ Trần Quốc Dẹn, cán bộ kỹ thuật dự án, cho biết: “Mô hình được bố trí với mật độ trồng 4 x 5m. Mỗi cây đều được đắp bầu với đường kính từ 0,4-0,6m. Khi đắp bầu cần lưu ý sử dụng lớp đất mặt và đất nền được phơi khô ít nhất là 1 tháng, dùng 1kg vôi bột rắc lên bầu đất để xử lý vi khuẩn gây hại và hạ phèn. Phân bón lót là phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh (từ 3-5kg/gốc cam). Trồng xong gốc cam được phủ cỏ khô để chống thoát hơi nước”.
Được biết, phương pháp tiên tiến được áp dụng trong mô hình là tưới phun mưa. Các nông dân tham gia mô hình cũng được tập huấn kỹ thuật lắp đặt và vận hành hệ thống tưới để thuận tiện trong việc canh tác. Ông Trần Văn Tiên, ở xã Hòa An, chia sẻ: “Hồi trước tưới bằng tay cực lắm, bây giờ trồng thử thấy tưới bằng hệ thống mới rất nhẹ công. Nhờ tham gia mô hình này mà tôi biết được kỹ thuật trồng cam không hạt đúng kỹ thuật, an toàn theo hướng hữu cơ là như thế nào”.

Cam mật không hạt

Tham gia dự án, ông Tiên đã trồng thử 7 công đất vườn nhà mình. Ông Tiên bày tỏ thêm: “Cũng nghe nói chanh không hạt, cam không hạt nhưng đây là lần đầu trồng thử nên cũng rất háo hức. Bước đầu tôi muốn áp dụng để chuyển đổi cây tạp trong vườn, kế đó là sản xuất cam theo hướng an toàn, muốn cung cấp cho các siêu thị”. Ngoài ông Tiên, ông Huỳnh Văn Thế, ở cùng xã cũng đang kỳ vọng cho vườn cam nhà mình sai trái, cho thu nhập cao, hướng đến chuẩn GAP để xuất khẩu ra nhiều nước.
Như vậy, bước đầu trồng thử nghiệm, mô hình đã được nhiều nhà vườn đón nhận. Cam mật không hạt sẽ là giải pháp cho sự chọn lựa giống cây trồng thích hợp để khuyến khích người dân phát triển nhằm hạn chế rủi ro từ dịch bệnh vàng lá gân xanh. Hơn nữa, việc áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Người dân trong vùng dự án còn tiếp cận được kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bớt phụ thuộc vào tự nhiên và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nông sản của thế giới, để từng bước xây dựng một vùng nguyên liệu chất lượng, đủ tiêu chuẩn để vươn ra thị trường quốc tế.

Nguồn : Báo Hậu Giang, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *