CategoriesGia cầm Kỹ thuật nông nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao Tin tức nông nghiệp

Xây dựng ngành chăn nuôi gia cầm công nghệ cao

Đầu tư công nghệ vào mô hình nuôi gà gắn với tiêu thụ sản phẩm, gà bản địa ứng dụng công nghệ cao của nông dân tỉnh Quảng Ninh sớm gặt hái hiệu quả.

Nuôi “gà công nghệ”, thu tiền tỷ

Thành lập trang trại chăn nuôi gà chỉ một thời gian ngắn, nhưng gia đình ông Nguyễn Tôn Quyền ở thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí nhanh chóng trở thành điểm sáng phát triển kinh tế đối với các hộ chăn nuôi gia cầm ở địa phương nhờ sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Sản phẩm gà ở đây đã được xuất trên hệ thống kênh phân phối CP foods (Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam).

Mặc dù sản xuất quy mô nông hộ, nhưng ông Quyền đã nhanh chóng tìm ra giải pháp, thay đổi những rủi do, bất lợi trong chăn nuôi truyền thống để biến sản phẩm gà thương phẩm của gia đình có đầu ra ổn định trên thị trường. Để có được thành công này, ông Quyền đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại.

Hệ thống cấp nhiệt giữ ấm cho các chuồng gà của ông Nguyễn Tôn Quyền, TP Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Công nghệ nuôi gà của ông Nguyễn Tôn Quyền là công nghệ nhà lạnh, làm chủ được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, môi trường, dịch bệnh, giữ được nguyên số lượng gà trong chuồng tăng trưởng ổn định trong suốt vòng đời.

Thêm nữa, ông Quyền vận dụng nhiều hệ thống, thiết bị thay đổi không khí, nhiệt độ trong chuồng bằng cách linh hoạt sử dụng giàn mát dùng vào mùa hè, lò hơi cấp nhiệt giữ ấm vào mùa đông, quạt đảo gió, thoáng khí vận hành liên tục, hệ thống đầu dò bệnh, máy phân phối và đưa thức ăn, nước uống đến từng khu chăn nuôi gà.

“Quá trình đầu tư trang trại khá tốn kém, bởi hầu hết các thiết bị trên nhập từ Đan Mạch, nhưng tiêu chuẩn về các thông số và sử dụng được bền vững, lâu dài, chi phí vận hành cũng thấp. Gà được nhập khẩu từ quốc gia khác nên cũng mất thêm một phần chi phí để nhập giống, đồng thời phải sử dụng thức ăn hữu cơ, giàu dinh dưỡng”, ông Quyền cho hay.

Ông chia sẻ: “Nếu so sánh với kiểu chăn nuôi thông thường, người chăn nuôi bắt buộc phải suy tính đến việc mất trắng do thiên tai, môi trường và dịch bệnh, nên tính về tổng thể, đầu tư chăn nuôi có kiểm soát sẽ có lợi hơn rất nhiều. Gia đình tôi đang chăn nuôi theo chuỗi nên sẽ ổn định về đầu ra, nâng cao giá trị của sản phẩm”.

Ngoài thiết bị, công nghệ, yêu cầu về việc thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với công nhân trực tiếp nuôi cũng như cán bộ giám sát trại là rất cao. Một trong những nguyên tắc hợp lý trong chăn nuôi được ông Quyền sử dụng là không thay đổi chuồng, không thay đổi công nhân để hạn chế các tác nhân có thể gây bệnh, các mẫu gà được lấy theo tuần và gửi về phòng thí nghiệm của đơn vị tiêu thụ.

“Hiện tại, trang trại của tôi có sức chứa khoảng 40.000 con gà, có thể xuất chuồng sau 42 ngày, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/lứa, lợi nhuận đang đạt ở mức 10% doanh thu. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư nâng công suất trại lên gấp đôi, xây dựng cơ sở chế biến thức ăn, giết mổ tập trung, kho lạnh để bảo quản sản phẩm và sản xuất giống gà tại chỗ”, ông Quyền nói.

Điểm sáng chăn nuôi gia cầm ở TP Uông Bí, mô hình nuôi gà công nghệ thu nhập tiền tỷ của anh Nguyễn Tôn Quyền. Ảnh: Anh Thắng.

Từ mô hình trại gà của ông Nguyễn Tôn Quyền cho thấy làm nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi đúng và tất yếu, không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà quan trọng là sự chủ động và phát triển bền vững của nông dân Quảng Ninh.

Chọn lọc giống gà chất lượng

Nhiều hộ gia đình ở huyện Tiên Yên, Đầm Hà đang ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất gà bản địa, thay đổi giá trị của chăn nuôi gia cầm truyền thống. Đơn cử như gà Đầm Hà, giống gà bản địa có lông sặc sỡ, thịt thơm ngon đang được ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền chăn nuôi, nhân giống.

Hiện nay, HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân) là đơn vị sản xuất giống gà bản Đầm Hà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cung cấp cho các hộ chăn nuôi toàn địa phương. Ông Tuyền cho biết, gà bản Đầm Hà được bà con dân tộc nuôi giữ giống từ nhiều đời, là sản vật nổi tiếng của địa phương, thơm ngon không kém giống gà Tiên Yên.

Bởi vậy, để có được gà giống bố mẹ, ông Tuyền phải lặn lội lên tận các xã vùng cao như Quảng Lâm, Quảng An của Đầm Hà, thậm chí vào tận các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thu gom. Đến tháng 5/2016, ông Tuyền vận động thêm một số hộ trong thôn, xã cùng thành lập HTX Tuyền Hiền, chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương tạo thương hiệu gà bản Đầm Hà.

Nuôi gà bản địa có chất lượng tốt, áp dụng quy trình nuôi VietGAP và công nghệ trong chăn nuôi giúp kinh tế nông dân ở Quảng Ninh được cải thiện đáng kể. Ảnh: Anh Thắng

“Lúc đầu, khi tôi làm thụ tinh nhân tạo cho gà bản Đầm Hà, do còn ít kinh nghiệm nên tỷ lệ trứng ấp thành con chỉ đạt 50-60%, dẫn đến việc nhân giống, chọn giống gặp nhiều khó khăn. Phải mất khoảng 4 năm, tôi mới có thể làm chủ được việc nhân giống, từ đó cung cấp gà giống cho bà con chăn nuôi. Đến nay, tỷ lệ thành công khi thụ tinh nhân tạo đạt 90%”, ông Tuyền chia sẻ.

Để gà không bị nóng, ông Tuyền còn đầu tư máy lạnh vào khu vực nuôi gà ấp trứng, nhiệt độ ở bên trong nhà nuôi thấp hơn bên ngoài khoảng 10 độ C. Cùng với đó là hệ thống máy ấp trứng hiện đại, đạt năng suất ấp 15.000 trứng/máy. Diện tích chuồng úm gà của anh Tuyền là 1.000m2.

Bước đầu, khi gà đẻ trứng, ông Tuyền đi thu nhặt trứng rồi cho vào phòng lạnh bảo quản. Khi có khách đặt gà giống, ông lấy trứng cho khử trùng trong khoảng 2-3 tiếng, sau đó cho vào máy ấp trứng để ấp trong khoảng 21 ngày gà con sẽ nở. Sau khi gà nở, ông Tuyền tiêm phòng bệnh Marek cho gà. Gà được 1 ngày tuổi, ông chuyển cho bà con đặt hàng. Trung bình mỗi năm, HTX Tuyền Hiền cung cấp ra thị trường gần 200.000 con gà giống bản địa chất lượng.

“Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đàn gà đẻ, nâng sản lượng gà giống để đảm bảo nguồn cung cấp gà giống trên thị trường. Hiện nay, tôi đã đầu tư chuồng úm gà có dây chuyền tự động đưa thức ăn, nước uống cho gà con”, ông Tuyền chia sẻ”.

Quảng Ninh này đã hình thành nhiều vùng chăn nuôi gia cầm tập trung quy mô lớn, với những giống vật nuôi chủ lực, có thương hiệu, như gà Tiên Yên. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh), địa phương dần hình thành các vùng chăn nuôi, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung theo trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận; nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất.

Xác định ngành chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn, áp dụng công nghệ cao, Quảng Ninh dần hình thành vùng chăn nuôi gia cầm ở một số địa phương. Đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh đã hình thành nên 240 trang trại chăn nuôi, 26 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã hoạt động chăn nuôi, 8 cơ sở chăn nuôi theo quy trình VietGAP với trên 3,8 triệu con gia cầm.

Nguồn: Tổng hợp và đã được kiểm duyệt bởi Farmtech.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *