CategoriesCây công nghiệp và cây rừng Tre Trồng trọt

Cân nhắc khi trồng tre lấy măng

Nhờ trồng tre lấy măng, không ít nhà vườn vượt khó, có hộ giàu to, nhưng không ít nhà nông trồng đến ba bốn bụi vẫn không có đủ măng ăn cho một mái bếp dăm khẩu; lại có nhà phải mướn xe xúc móc nguyên cụm, quẳng tre ra khỏi vườn…

Thị trường “loạn” giống tre

Những giống tre lấy măng nhập vào nước ta những năm qua bao gồm tre bát độ, điền trúc (có người gọi là lục trúc do mo măng có màu xanh). Thế nhưng những người bán giống lại chào bán đủ thứ: tre Tàu (tiếng lóng chỉ giống mang về từ Trung Quốc), tre mao trúc, tre lục trúc và tre điền trúc (hai giống thực chất chỉ là một), tre trải (một giống trúc nhỏ – nhưng nói là giâm mắt tre lục trúc). Không thấy ai bán giống tre bát độ (cho dù thực tế có nhập), vì giống này cho ít măng, nhưng lại thấy bán giống tre mạnh tông (giống bản địa chuyên măng ở ĐBSCL).

Trong khi thị trường giống tre gặp “loạn” thì một số nhà vườn lại có “cửa” làm ăn. Họ chọn chân đất thích hợp, chăm sóc đúng cách, biết cách khai thác cây giống từ mấu thân tre nên ngoài cho măng, một cây tre cho dăm bảy cây giống. Họ là những người đi trước và nắm vững yêu cầu kỹ thuật khâu làm giống và quan trọng hơn là việc các chủ vườn giống tre ra nghề đúng lúc.

Trồng tre điền trúc lấy măng

Tre điền trúc là giống tre “siêu măng”, còn là cây đa dụng. Nếu trồng trên đất “an toàn” và bón phân đúng cách, măng điền trúc được coi là sản phẩm rau “sạch” vì không sử dụng thuốc trừ sâu. Măng rất dễ ăn, thường cho vào lẩu ăn tái giòn. Măng đưa vào các món xào, nấu từ ngọt đến chua, nhiều món ngon nhớ đời. Ngoài ra trồng măng vẫn thu hoạch cây, cành, gốc tre, làm ra các sản phẩm gia dụng…

Trồng măng tre cần đất riêng để không ảnh hưởng cây trồng khác như che bóng, rễ hút dinh dưỡng. Đất trồng tre cần có độ dày canh tác trên 50 cm, đất tơi xốp, giàu mùn, chủ động nước tưới, có thể ngập 1 – 2 ngày nhưng đất lại ráo. Áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật khuyến cáo trong chuẩn bị đất gồm đào hố, bón lót. Trồng đúng kỹ thuật để cây bén rễ càng sớm càng tốt. Bón phân định kỳ bao gồm phân chuồng và phân “bao” đúng liều lượng và tăng giảm phân theo màu và độ rộng của phiến lá. Tưới nước thường xuyên kết hợp với bón phân hữu cơ và mùn làm cho đất xốp. Đốn tỉa một cách hợp lý cũng như chừa lại 2 – 3 cây măng/bụi làm cây mẹ hàng năm. Bứng gốc các cây tre trên 3 tuổi – hết khả năng ra măng. Phát cành, có thể kết hợp bó bầu nhân giống giúp bụi tre thông thoáng trong tầm cao 2,5 m. Thu hoạch măng đúng cách để có măng ngon, nhiều và không tạo cơ hội nhiễm bệnh cho bụi tre. Vun gốc tủ mùn là việc làm cần thiết nhưng hết sức thận trọng để tránh cho mụt măng nhỏ khỏi bị thối do nhiễm nấm và “ngạt”. Chỉ nên tủ đất và mùn tơi xốp dày từ 5 – 8 cm trước khi bụi tre đồng loạt ra măng để măng có màu trắng, non, ngọt hơn. Sau khi thu hoạch hết măng, cào đất ra, tạo rãnh bón phân để “kéo” măng đi xuống giúp tăng sản lượng và chất lượng măng kỳ thu hoạch sau.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *