1. Chuẩn bị hạt giống
Nhà nông có câu ”Tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”. Yếu tố đầu tiên đảm bảo cho cây lúa khỏe cần phải có hạt giống tốt. Gieo trồng hạt giống tốt là điều kiện cần thiết để cây lúa khỏe, có khả năng chống chịu sâu bệnh và vượt qua được biến động bất lợi của điều kiện môi trường từ đó mới có thể cho năng suất, chất lượng cao.
Lúa giống
Để có hạt giống tốt đối với những hộ nông dân tự làm giống phải tuân thủ quy trình sản xuất và bảo quản giống do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định. Nếu không tự sản xuất được thì phải mua hạt giống tại những cơ sở cung cấp giống tin cậy.
Hạt giống khỏe phải đảm bảo những yêu cầu sau:
- Hạt giống phải khô, sạch, chắc mẩy, thuần, đúng giống, đồng nhất về kích cỡ, không bị lẫn những hạt giống khác, không bị lẫn hạt cỏ và tạp chất, không có hạt lem, lép và không bị dị dạng
- Hạt giống không bị côn trùng phá hoại (sâu mọt), không mang mầm bệnh nguy hiểm.
- Tỉ lệ nảy mầm cao, đạt 85% trở lên.
- Số lượng hạt giống/đơn vị diện tích: Tùy theo mùa vụ và trọng lượng 1000 hạt của giống để tính lượng hạt giống cần cấy (Trọng lượng 1000 hạt lớn, lượng hạt giống cần nhiều hơn hạt giống có trọng lượng 1000 hạt thấp). Thông thường lượng hạt giống cần thiết:
– Vụ xuân: 2- 2,5 kg hạt giống/ sào Bắc bộ
– Vụ mùa: 1,5- 2 kg hạt giống/ sào Bắc bộ
Lưu ý: Đối với lúa lai chỉ cần 1 kg hạt giống/ sào Bắc bộ
2. Ngâm ủ hạt giống
Thực hiện tốt các khâu kỹ thuật ngâm ủ hạt giống sẽ có tỷ lệ nảy mầm cao, loại bỏ được một số loại bệnh hại và kí sinh trên hạt.
- Phơi lại hạt giống: Hạt giống cần phơi lại 6- 8 giờ trong nắng nhẹ (không phơi trực tiếp trên sân gạch hay sân xi măng). Phơi lại có tác dụng làm cho hạt hút nước nhanh, xúc tiến hoạt động của hệ thống men, tăng khả năng nảy mầm.
- Thử tỷ lệ nảy mầm: Chọn hạt tốt, loại bỏ hạt lép lửng bằng nhiều cách: Bằng quạt gió, sàng sảy hoặc trong quá trình ngâm nước cần vớt hết những hạt nổi và giữ lại hạt chìm (hạt tốt).
- Xử lí hạt giống: Có thể sử dụng một trong các phương pháp sau:
+ Xử lí bằng nước nóng 54°c ( pha tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh): Ngâm hạt vào nước lạnh 24 giờ, sau đó đưa vào nước nóng 45- 47°°c trong 5 phút và cuối cùng là nước nóng 54- 55°c trong 10 phút. Phương pháp này đơn giản nhất, có tác dụng trừ nấm bệnh và tuyến trùng trên hạt, tạo cho hạt hút nước nhanh
+ Xử lí bằng nước vôi: Hòa tan 1kg vôi sống vào 100 lít nước, ngâm 1-2 ngày ở vụ mùa, 3-4 ngày ở vụ xuân, đãi sạch rồi ủ thúc mầm.
+ Xử lí bằng hoá chất Formalin: Dung dịch 2% phun vào hạt giống ( 5 lít dung dịch cho 50 kg hạt giống), ủ kín 3 giờ, đãi sạch rồi thúc mầm.
Đối với hạt giống mới thu hoạch muốn gieo ngay cần áp dụng phương pháp xử lý phá ngủ để tăng độ nảy mầm. Dùng a xít nitric 0,2% (lượng dùng 100 ml dung dịch cho 1,2- 1,4 tạ hạt giống) để xử lý phá ngủ hoặc dùng supe lân để thay thế.
- Ngâm ủ hạt giống
– Ngâm hạt: Để hạt nảy mầm cần phải ngâm hạt hút đủ độ ẩm cần thiết. Thời gian ngâm tùy thuộc nhiệt độ, 1-2 ngày ở vụ mùa, 2-3 ngày ở vụ đông xuân. Trong quá trình ngâm, hạt hô hấp yếm khí, thiếu ô xy làm nước chua, cần phải thay nước mỗi ngày một lần.
Ngâm ủ hạt giống
– Ủ thúc mầm: Sau khi hạt đã hút đủ nước, đem ủ, để hạt nảy mầm. Trong quá trình ủ, nên định kỳ vảy nước và trộn đảo hạt để hạt nẩy mầm đều.
– Khi hạt đã nhú mầm, nên xen kẽ “ngày ngâm đêm ủ” để phát triển cân đối mầm và rễ. Vụ mùa, hè thu chỉ cần ủ nứt nanh, vụ đông xuân cần có mầm dài hơn.
3. Các phương thức làm mạ
Tùy điều kiện đất đai và thời tiết, có thể làm mạ bằng nhiều phương pháp khác nhau:
- Mạ dược:
Là hình thức phổ biến nhất. Ruộng mạ được giữ nước, làm đất kỹ, trang phẳng rồi lên luống, gieo hạt đã nảy mầm, giữ ẩm thời kỳ đầu sau đó mới tưới nước cho đến lúc cấy. - Mạ sân (mạ nền):
Những năm rét nhiều ở vụ xuân, mạ dược thường chết gây thiêu mạ, phảI khắc phục bằng làm mạ sân (Thường là vụ xuân muộn).
Xuất phát từ kinh nghiệm làm mạ Dapog của Philippin. Làm đất khô trước khi gieo, lót giấy PE hoặc lá chuối, rải một lớp đất bột mỏng rồi gieo hạt, tưới ẩm. Mạ Dapog gieo dày (2-2,5 Kg/m2), tuổi mạ 10-15 ngày.
Có thể cải tiến phương pháp này bằng cách trước khi gieo mầm, rải một lớp bùn mỏng lên sân hay lên nền đất cứng ở bờ mương, ven đường. Nếu đất xấu có thể trộn thêm phân chuồng mục đã ủ với lân. Gieo hạt đã xử lí, ngâm ủ. Mật độ gieo từ 1,0-1,5kg/m2. Tưới giữ ẩm, che nilon tránh gió lạnh. Khi mạ 2,5-3 lá là nhổ cấy được. Khi lấy mạ bứng cả mảng. Khi cấy tách thành các khóm nhỏ. Mạ sân bén rễ nhanh, không thua kém mạ dược.
- Mạ khô (mạ đồi, mạ nương):
Làm đất khô, gieo sâu 2-3 cm (hoặc chọc lỗ bỏ hạt) dùng cào, bừa răng lấp hạt…ở đồng bằng, làm đất nhỏ lên luống, gieo hạt, lấp một lớp đất bột mỏng và tưới ẩm. Loại mạ này, sau cấy bén rễ nhanh, mọc khỏe. - Mạ nổi (mạ bè):
Phổ biến ở vùng đất trũng không làm được mạ dược (mạ nước). Lấy rơm cỏ kết thành bè rộng 1-1,2 m, nổi lên 3-5 cm, dùng đất sét, bùn loãng rải lên rồi gieo mầm.
Tổng hợp từ Farmtech Vietnam.