CategoriesCây thực phẩm Mướp Trồng trọt

Kỹ thuật trồng Mướp rắn

Với hương vị thơm ngon và thanh mát đặc biệt với lớp vỏ rất giòn, mướp rắn ngày càng được trồng rộng rãi ở nhiều nơi để cung cấp cho nhiều người sành ăn trên khắp cả nước.

1. Hạt giống:

Mướp rắn được trồng hoàn toàn bằng hạt. Thông thường những người trồng lâu năm thường giữ lại những quả to mùa thứ nhất để làm giống cho các vụ sau. Chọn những quả to đều để cho chín già trên cây rồi mới hái xuống đem phơi khô và lấy hết hạt bên trong. Những hạt được chọn sẽ là những hạt to tròn mẩy sờ chắc hạt. Với những người mới trồng lần đầu thì nên mua hạt giống mướp tại các cửa hàng bán hạt giống.

Cũng giống các loại cây họ bầu, mướp rắn yêu cầu lượng nước không quá nhiều. Chúng không chịu được đất ngập úng vì hay bị thối rễ. Do đó nên trồng mướp trên những khu vực đất cao và dễ thoát nước. Loại đất thích hợp trồng cho cây là đất cát pha có thành phần cơ giới nhẹ.

2. Gieo hạt:

Sau khi đã có được hạt giống chất lượng bạn cần xử lý trước khi đem gieo. Vì hạt giống mướp có lớp vỏ khá dày và cứng nên bạn cần ngâm chúng trong nước ấm 4 đến 5 tiếng cho hạt ngấm nước nở to lên. Sau đó đem ủ hạt giống vào khăn ẩm qua đêm cho hạt nứt rồi sau đó mới đem gieo xuống đất.

Bạn có thể gieo trực tiếp hạt giống mướp xuống đất hoặc gieo ươm hạt trong khay hoặc túi bầu khi thành cây con mới trồng sang nơi mới đã được chuẩn bị sẵn. Khi cây còn non bạn nên chú ý giữ ẩm cho đất che chắn cẩn thận khỏi côn trùng hoặc động vật. Khi cây con ra được 4 đến 5 lá thật nên tưới nước nhiều hơn và bón lót cho chúng một chút phân bên dưới.

Bước 3 : Làm giàn cho mướp rắn

Khi cây được khoảng 3 tuần, lúc này cây mướp đã đạt chiều cao 30 cm và ra rất nhiều lá và nhánh. Lúc này đã đến thời điểm tạo cho chúng một bộ khung vững chắc.

Giàn cho mướp giống như những loại giàn cho bầu hoặc bí khác. Bạn có thể làm giàn bằng lưới thép hoặc làm bằng gỗ đều được. Tạo cho cây một giá thể vững chãi cho chúng leo cũng giúp mướp tạo được nhiều quả hơn sau này và cũng tiện cho việc thu hoạch. Chọn ra khoảng 4 cây mọc khỏe nhất làm cây chính cho leo giàn. Một giàn chỉ cần từ 3 đến 4 cây là đủ.

Khi cây bắt đầu bám giàn cũng là lúc cây phát triển nhanh và mạnh nhất. Lúc này bạn duy trì chế độ tưới nước cho cây một ngày một lần vào chiều mát. Nên bón cho cây thêm phân chuồng hoai mục để cây phát triển cành non và lá. Chú ý bón phân cho cây vào thời kỳ ra hoa và đậu quả sẽ giúp cây tạo được nhiều quả to đẹp và cho thời gian ra quả kéo dài hơn.

Khi giàn leo mướp dài khoảng 2m đến 3m lúc này cây đã gần như phủ kín cả giàn. Lá và các ngọn đâm ra tua tủa khiến toàn bộ giàn được phủ một màu xanh mướt. Chỉ khoảng vài ngày nữa, những dấu hiệu nở hoa đầu tiên bắt đầu xuất hiện.

Hoa mướp mọc ra từ phần chồi nách của thân. Hoa nhỏ có màu trắng tinh khiết trông rất đẹp. Khi nở năm cánh bung tỏa cùng những sợi tơ trắng dài li ti xòe rộng trông không khác gì những vũ công đang múa. Lúc này trên khắp giàn mướp được điểm xuyết thêm một màu trắng của những bông hoa nở. Vẻ đẹp của chúng cũng thu hút rất nhiều loài ong bướm đến hút mật thụ phấn.

Vì là loại cây lưỡng tính nên trên một cây mướp bạn sẽ bắt gặp cả hoa đực và hoa cái. Hoa đực thường nhỏ và không có phần bầu hơi phình phía dưới cuống như hoa cái. Hoa cái khi nở sẽ to hơn và phía cuống hoa thường sẽ có một chỗ hơi phình to ra sau này khi hoa tàn chỗ đó sẽ hình thành quả.

Hoa mướp cái nở hoa to và đẹp hơn đồng thời cũng lâu tàn hơn hoa đực.

Để giúp cây đậu nhiều trái hơn thì ngoài biện pháp thụ phấn tự nhiên nhờ ong bướm thì bạn cũng có thể tự tay thụ phấn cho cây. Ngay khi những bông hoa đực chưa tàn bạn dùng tay ngắt chúng rồi đem tìm những bông hoa cái ấn nhẹ phần phấn vào bầu noãn của bông hoa cái. Như thế sau này bông hoa đó sẽ chắc chắn ra quả.

Tự tay thụ phấn cho cây giúp cây đậu quả 

Sau khi thụ phấn cho cây một vài ngày. Hoa cái sẽ héo và tàn dần để lại một sự sống mới phát triển sau đó. Từ phần cuống hoa cái lúc này bạn sẽ thấy chúng phồng to lên chứng tỏ quả đã bắt đầu phát triển. Lúc này bạn nên tỉa bớt lá gần những quả non giúp chúng đón được nhiều ánh sáng hơn để phát triển.

Khi nhận được nguồn dinh dưỡng từ đất dồi dào cùng ánh nắng quả mướp Nhật sẽ lớn rất nhanh. Chỉ khoảng 1 tuần từ khi ra quả lúc này quả mướp đã đạt kích thước chiều dài khoảng 7 đến 10 cm và đường kính khoảng 5 cm. Nhiều quả sẽ xoắn lại với những hình dáng như con rắn đang cuộn trên cây. Nhiều người trồng có kinh nghiệm đã có một cách giúp quả mướp mọc dài và thẳng hơn. Chỉ đơn giản buộc thêm ở phần dưới cuống quả một hòn đá giúp giữ cho chúng thẳng không bị xoắn lên trên. Với mẹo này khi thu hoạch bạn sẽ có được những quả mướp dài và thẳng trông bắt mắt hơn.

Bước 4: Thu hoạch mướp rắn

Sau khoảng hơn 2 tháng kể từ khi gieo hạt qua nhiều giai đoạn thì lúc này là lúc tận hưởng thành quả của bạn có được. Trái mướp của bạn đã có thể cho thu hoạch. Quả trưởng thành có hình dáng dài với thân láng có những vân sọc trắng xung quanh. Đường kính trung bình khoảng 7 cm và kích thước mỗi quả có thể đến 200g. Giống với các loại cây thân leo khác, mướp có thể cho quả liên tục trong vòng 3 tháng. Do vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm thu hái mướp rắn dần dần để thưởng thức đến hết mùa hè này.

Với thành quả là những quả mướp rắn ngon lành này bạn có thể chế biến ra rất nhiều món ăn ngon miệng để đổi khẩu vị cho cả gia đình. Đơn giản nhất bạn có thể luộc mướp lên ăn chấm với muối vừng hoặc có thể xào chung với thịt lợn hoặc thịt bò đều rất ngon. Với hương vị ngon ngọt và rất thanh mát. Mướp rắn sẽ là một thực phẩm ngon lành mà bạn không thể bỏ qua giúp giải nhiệt trong mùa hè oi nóng này.

Nguồn: Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *