CategoriesChôm Chôm Trồng trọt

Chôm Chôm Long Khánh đã có chỉ dẫn địa lý

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý” cho 2 sản phẩm chôm chôm Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Chôm chôm nhãn Long Khánh

Đây là sản phẩm thứ 2 của tỉnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sau bưởi Tân Triều. UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

2 sản phẩm là chôm chôm nhãn Long Khánh và chôm chôm tróc vỏ Long Khánh. Để được bảo hộ địa lý Long Khánh, chôm chôm phải được trồng ở các xã Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (thị xã Long Khánh); Xuân Đỉnh, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân (huyện Thống Nhất); Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) và được bảo quản, đóng gói tại các khu vực gồm thị xã Long Khánh, các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ.

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, tổng diện tích trồng chôm chôm được bảo hộ trong toàn khu vực đã lên tới gần 7.000ha.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên đặc thù như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là những yếu tố tạo nên chất lượng của chôm chôm Long Khánh.

– Về địa hình, khu vực địa lý có địa hình đồi thoải lượn sóng, độ dốc từ 3 – 8%.

– Về khí hậu, khu vực địa lý có tổng lượng mưa bình quân cả năm từ 1.630 – 2.190mm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 25,4 – 26,6 độ C, độ ẩm bình quân cả năm từ 78,5 – 83%, lượng bốc hơi tổng số dao động từ 1.030 – 1.240 mm/năm; số giờ nắng tổng số trong năm đạt từ 2.230 – 2.600 giờ.

– Về đất đai, khu vực địa lý có điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, thành phần sét và thịt pha sét, độ pH trung bình từ 4,02 – 5,12, các cation trao đổi (CEC) trong đất dao động từ mức thấp đến trung bình (12,33 – 17,07 meq/100gr), đất giàu chất hữu cơ (1,75 – 3,33%), thành phần dinh dưỡng đa lượng ở mức từ trung bình đến giàu, hàm lượng lân và kali dễ tiêu (8,44 – 24,93 mg/100gr), hàm lượng sắt tổng số trong đất rất cao (Fe từ 12,31 – 17,95%), hàm lượng vi lượng (mn, Cu, Zn, B…) trong đất cao.

– Chôm chôm nhãn Long Khánh là quả chôm chôm của giống chôm chôm nhãn, vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị ngọt và giòn. Các chỉ tiêu chất lượng đặc trưng: Khối lượng quả từ 23,15 – 30,32 gr/quả, chiều dài quả từ 38,09 – 43,13mm, đường kính quả từ 32,85 – 35,66mm, độ dày vỏ quả từ 2,86 – 3,94mm, cùi dày từ 6,11 – 7,44 mm, khối lượng cùi từ 11,32 – 14,92 g/quả, độ Brix từ 17,91 – 19,42%, hàm lượng nước từ 7671 – 81,24%, đường tổng số từ 11,18 – 18,24%, trong 100ml dịch quả có chứa từ 9,74 – 55,25 mg vitamin C.

– Chôm chôm tróc vỏ Long Khánh là quả của giống chôm chôm Java, vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài và dày, đuôi có đốm xanh, vị ngọt. Các chỉ tiêu chất lượng đặc trưng: Khối lượng quả từ 30,17 – 36,26 gr/quả, chiều dài quả từ 41,44 – 45,54 mm, đường kính từ 35,10 – 38,40mm, vỏ dày từ 3,21 – 4,11mm, cùi dày từ 6,63 – 8,18mm, khối lượng cùi từ 13,66 – 17,19 gr/quả, độ Brix từ 17,74 – 19,45%, hàm lượng nước từ 76,84 – 80,86%, đường tổng số từ 10,57 – 13,68%, trong 100ml dịch quả có chứa từ 14,03 – 52,89 mg vitamin C.

Đón nhận tin vui, ông Trần Mộng Thành, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh phấn khởi cho biết, cùng với trái sầu riêng, chôm chôm Long Khánh từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước vì chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ với số lượng lớn còn gặp nhiều khó khăn. Việc cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh sẽ là cú hích mới để sản phẩm có điều kiện vươn ra thị trường ngoài nước.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *