Cục BVTV cho biết đã chọn được hai giống sắn có khả năng kháng bệnh khám lá sắn tốt, đề nghị sớm được công nhận giống để đưa ra sản xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về việc nghiên cứu, chọn các giống sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn, vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã chủ trì tổ chức đoàn công tác đánh giá các giống kháng bệnh khảm lá sắn do Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam thí nghiệm tại Tây Ninh.
Theo Cục BVTV, đoàn công tác đã tổ chức đánh giá giống kháng bệnh khảm lá của tập đoàn giống sắn do Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh thực hiện tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu (đã trồng được 5 tháng).
Đoàn công tác đã thảo luận và thống nhất phương pháp đánh giá giống sắn kháng bệnh khảm lá theo thang đánh giá 5 cấp CIAT khuyến cáo áp dụng và tỷ lệ cây bị bệnh.
Ảnh minh họa
Theo kết quả đánh giá của đoàn công tác, tất cả các ruộng thí nghiệm các giống sắn khảo nghiệm đều phát triển rất tốt, chiều cao và tán lá tốt hơn so với giống đối chứng (KM419, HL-S11) và các ruộng của nông dân xung quanh (chủ yếu trồng giống KM419).
Tại thời điểm kiểm tra, bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh khảm lá sắn) có xuất hiện cả trong các ruộng thí nghiệm và các ruộng chung quanh, chứng minh luôn có nguồn lây truyền bệnh trên đồng ruộng.
Kết quả điều tra trực tiếp trên các ruộng thí nghiệm cho thấy, bệnh khảm lá chỉ mới xuất hiện rải rác ở một số giống, mức độ biểu hiện cao nhất ở cấp 2 (lá có vết khảm và chỉ bị biến dạng nhẹ ở mép thùy lá, phần còn lại vẫn bình thường). Trong khi đó, các giống sắn đối chứng và các ruộng sắn của nông dân trồng xung quanh khu vực thí nghiệm đều bị nhiễm bệnh nặng ở cấp 5, tỷ lệ nhiễm 100% số cây.
Đặc biệt đối với giống sắn HN3 và HN5 (giai đoạn 4,5 tháng tuổi), bệnh khảm lá chỉ xuất hiện rất nhẹ (trên giống HN5 với tỷ lệ < 0,5% số cây, rải rác một số ít cây có vết bệnh nhẹ), riêng giống HN3 không có vết bệnh.
Trong khi đó, các giống đối chứng và ruộng xung quanh của nông dân (chủ yếu là giống KM419), bệnh khảm lá đã xuất hiện từ rất sớm (theo số liệu điều tra thí nghiệm bệnh xuất hiện từ giai đoạn sắn 2 – 2,5 tháng)…
Nguồn: Tổng hợp và đã được kiểm duyệt bởi Farmtech.