CategoriesBông Vải Cây công nghiệp và cây rừng Trồng trọt

Kỹ thuật trồng Bông vải năng suất cao (P2)

Ở phần trước chúng tôi đã giới thiệu về kỹ thuật trồng bông. Ở phần này Fman xin giới thiệu tiếp cho nhà nông về phần chăm sóc và thu hoạch cây bông vải

9. Chăm sóc – làm cỏ – xới xáo:

9.1 Dặm tỉa:

– Sau khi gieo 5-7 ngày kiểm tra thấy hốc nào không mọc hay mọc yếu thì phải trồng dặm ngay, nhằm đảm bảo mật độ cây để cho năng suất cao nhất.
– Có thể cùng lúc với gieo đại trà, nên gieo dự phòng 5-10% số cây trong bầu nylon, khi kiểm tra thấy hốc nào không mọc thì lấy cây trong bầu nylon dặm vào.
– Khi cây có 2-3 lá thật, tức khoảng 14-15 ngày sau khi gieo cần phải tỉa định cậy, chỉ để 1 cây/hốc.

9.2 Làm cỏ – xới xào:

– Chăm sóc thời kỳ cây con là rất quan trọng, cây khỏe sẽ cho năng suất cao. Khi cây bông đạt 15 ngày sau gieo cần phải xới xáo nhẹ xung quanh gốc nhằm phá váng tạo độ thoáng cho bộ rễ phát triển và trừ cỏ dại lấn át khi cây bông còn nhỏ.

Thời kỳ ra nụ cần tiến hành xới sâu để xúc tiến bộ rễ ăn sâu, độ sâu xới từ 10-15cm. Đồng thời kết hợp vun đất vào gốc cây nhằm chống đổ.

– Khi bông đã ra hoa, bộ rễ đã phát triển khá mạnh, lúc này không nên xới sâu làm tổn thương rễ. Chỉ nên xới nhẹ sau mưa hoặc sau khi tưới, đồng thời vun cao vào gốc để tránh cây bị đổ ngã.

– Biện pháp trồng xen cây trồng khác trong vườn bông cũng có tác dụng làm đất tơi xốp, chống cỏ dại.

– Các động tác xới xáo, làm cỏ thường nên kết hợp vơi các đợt bón phân cho cây bông.

– Ở một số vùng trồng bông với diện tích lớn việc làm cỏ bằng thủ công rất tốn kém, vì vậy cần phải áp dụng biện pháp phòng trừ cỏ dại bằng thuốc hoá học. biện pháp này đã được người trồng bông ở Đồng Nai, Đắc Lắc và nhiều nơi khác áp dụng:

• Thuốc trừ cỏ hậu nảy nầm Ametrex 80 WP, với liều lượng 2,0kg/ha, phun trước khi gieo hạt khoảng 10 ngày, có hiệu lực trừ cỏ cao trong thời gian dài từ 4 đến 6 tuần.

• Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như Dual 720 EC, Ronstar 25 EC với liều lượng 1,5 lít/ha hoặc Mizin 80 WP liều lượng 4,0 kg/ha, sau khi gieo bông.Vào giai đoạn 40 – 45 ngày sau gieo có thể dùng Round-up 480 ND liều lượng 1,5 lít/ha.

• Lượng nước phun từ 400 – 600 lít/ha, phun cách gốc 15 – 20 cm, không để thuốc dính vào lá bông.

Hầu hết các loại thuốc trừ cỏ được khuyến cáo hiện nay cho cây bông không ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng và phát triển của cây bông cũng như cây trồng xen.

10. Bấm ngọn, đánh cành, ngắt nụ sớm:

10.1 Bấm ngọn thân chính:

Bấm ngọn thân chính là kỹ thuật quan trọng trong toàn bộ kỹ chỉnh cành. Bấm ngọn đúng lúc sẽ hạn chế ưu thế phát triển về phía ngọn, làm cho nụ nhiều, quả nặng hơn, hạn chế chiều cao cây, và chín sớm.

Bấm ngọn bông phụ thuộc độ phì đất, chế độ chăm sóc, khí hậu, giống,… Bấm ngọn rút ngắn thời gian sinh trưởng và cho năng suất cao hơn không bấm ngọn. Nên bấm ngọn vào thời kỳ cây bông đã có khoảng 14-15 cành quả. Sau bấm ngọn thường xuyên đánh cành vượt.

10.2 Đánh cành gốc hoặc ngắt nụ sớm:

Đây là một kỹ thuật chỉnh cành sau khi đánh cành đực hoặc ngắt nụ sớm, cây bông có thể điều tiết ra quả tốt hơn, kỹ thuật này có ưu điểm:

• Giảm bớt số quả nở sớm và nhờ đó giảm quả thối, số múi bị đét (múi cau) khi gặp mưa, đồng thời giảm bớt hiện tượng suy nhược sớm.

• Tăng số quả nở vào giai đoạn khô hạn, tăng đậu quả ở cành sát thân chính.

• Xúc tiến bộ rễ phát dục và hoạt động, kéo dài thời kỳ hoạt động hữu hiệu của bộ lá, làm cho cây bông sinh trưởng khỏe mạnh.

Phương pháp này chỉ tiến hành ở ruộng bông tốt, có điều kiện thâm canh cao.

11. Tưới nước và tiêu nước :

– Bông là cây chịu hạn, nhưng không phải vì thế mà không cần nước, trái lại để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt cần phải cung cấp đầu đủ để cây sinh trưởng và phát triển.

– Về mùa khô, nếu có điều kiện thì tưới định kỳ 7-10 ngày/lần.

– Về mùa mưa, phải chủ động tiêu nước, bông vải rất sợ bị úng nước dù chỉ trong thời gian ngắn. Chú ý đào nương để nước thoát hoàn toàn, không được để cây bị úng hay đọng nước.

IV. Thu hoạch – Phân loại bông hạt:

1. Đặc điểm nở quả và tình hình thời tiết lúc thu hoạch:

Cây bông từ lúc gieo đến khi quả đầu tiên nở thường mất 100 – 115 ngày. Giống như trình tự nở hoa, đậu quả, quả bông chín từ cành dưới lên và từ trong ra ngoài. Thời kỳ đầu do đặc tính của cây và khí hậu còn ẩm do mưa, tốc độ nở quả thường chậm hơn một chút. Đợt thu hái đầu tiên khi cây có 2-3 quả nở và cách quả đầu tiên nở từ 10-15 ngày, những đợt sau chỉ cách đợt tr`ước khoảng 7-8 ngày.

Khi hết mưa, nắng chiều, nhiệt độ cao, gió lớn bông chín nhanh hơn.

2. Những sai sót thường gặp khi thu hoạch bông hạt:

– Thu bông chưa nở đầy đủ: Bông nở đầy đủ là những quả bông có các múi bông bung, xốp, toàn bộ bông phủ kín quả. Quả chưa chín đủ múi bông chưa bung, còn ở dạng múi cau, vỏ quả đang còn tươi, màu xanh. Những quả bông chưa nở hết thường xơ, hạt có độ ẩm cao, nếu không phơi kịp thì dễ bị mốc, làm giảm chất lượng.

– Thu lẫn bông múi cau, bông vàng ố, bông đen: Khi quả chín gặp mưa, bông sẽ bị thối dẫn đến múi bông không thu được, hạt bị thối lép, hoặc do ẩm nên bông bị mốc. Những loại bông này không được thu để chung với loại bông tốt vì nó sẽ làm giảm phẩm cấp bông hạt, nên để riêng.

– Để lẫn lá, tai quả, đất: Khi thu hái không cẩn thận, dễ bị dính đất, lá khô, tai quả vào bông hạt, nhất là thu hái về buổi trưa nắng, chiều, tai lá khô và giòn.

– Để lẫn vật lạ, nhất là sợi nylon: Khi để lẫn sợi nylon vào bông sẽ gây khó khăn lớn cho công đoạn nhộm màu công nghiệp, đây là vấn đề hết sức cẩn trọng vì ảnh hưởng rất lớn đến phẩm cấp.

3. Dụng cụ thu hoạch – cách thu và phân loại khi thu hoạch:

Dụng cụ thu bông tốt nhất là bằng sọt tre, bao bố, bao vải. Thu bông tốt trước, bông múi cau, sâu bệnh thu đợt sau. Hoặc có thể mang 2 túi, một túi đựng bông tốt, một túi đựng bông xấu.

Nhất thiết phải phân loại ngay trong lúc thu hái bởi như vậy sẽ đỡ tốn công về nhà phân loại lại.

Thời gian thu tốt nhất là 8-11 giờ sáng và 3-6 giờ chiều.

Nếu thực hiện tốt nhất thì có đến 90% là bông loại 1 còn nếu để lẫn thì ngược lại có đến 90% là bông loại 2 và loại 3.

Bông thu hái về phải phơi ngay, chỉ cần phơi 2-3 nắng là khô (cắn hạt bông kêu là được).
Không nên để bông ở nhà nhiều vì bông công kềnh, chiếm diện tích trong nhà, vì vây bông khô nên đem đi bán ngay.

Nguồn: Hội nông dân Cần Thơ được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *