CategoriesCà Phê Cây công nghiệp và cây rừng Trồng trọt

Kỹ thuật trồng Cà Phê Vối (Robusta Coffee) công nghệ cao – Phần 3

Farmtech VietNam xin giới thiệu cho bạn đọc về cách phòng trị các loài bệnh thường gặp ở cây cà phê vối và nhưng lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

VIII- PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH:

1. Bệnh hại

1.1- Bệnh lở cổ rễ (nấm Rhizoctonia solani): 

Bệnh thường gây hại cây con ở vườn ươm và thời kỳ kiến thiết cơ bản. Bệnh hại ở phần cổ rễ, làm cổ rễ bị teo, khô thắt lại.

Phòng trị: Tiêu huỷ những cây bệnh nặng, dùng các loại thuốc để tưới vào gốc như: Validamycin (Validacin); Pencycuron (Monceren) hoặc các loại thuốc gốc đồng.

1.2 – Bệnh khô cành, khô quả (nấm Collectotrichum coffeanum)

Bệnh thường phát triển vào đầu mùa mưa nhưng thể hiện rõ rệt khi quả còn non đến lúc 6-7 tháng tuổi.

Phòng trị: Bón phân đầy đủ, kịp thời cân đối NPK, dùng các loại thuốc Propineb (antracol); Carbendazim(bavistin); hoặc các loại thuốc gốc đồng như copper sulfat (Bordeaux), Kasugamycin 2 % + Copper Oxychloride 45% (Kasuran) để phòng trừ 2-3 lần/vụ.

1.3 – Bệnh tuyến trùng:

Do tuyến trùng Pratylenchus coffae gây vết thương, tuyến trùng Meloidogyne spp. gây nốt sần, tuyến trùng Tylenchus gây nội sinh. Cây bị bệnh thường sinh trưởng kém, vào mùa khô thường bị vàng héo, có khả năng lây lan lớn.

Phòng trị: Phát hiện sớm, tiêu hủy những cây bệnh nặng, cây bị bệnh nhẹ nên tăng cường bón phân hữu cơ, xử lý đất bằng thuốc cytokinin (Sincocin).

1.4 – Bệnh rỉ sắt (Hemileia vastatrix)

Triệu chứng: Bệnh thường xuất hiện ở những vườn cây già cỗi, đầu tư kém. Bệnh hại trên lá, vết bệnh hình tròn, có lớp bột phấn vàng màu da cam ở mặt dưới lá. Bệnh làm rụng lá, thường hại nặng vào tháng 10-11-12 và tháng 3, 4 trong năm.

Phòng trị: Cuối mùa mưa (tháng 10-110 dùng copper sulfat (Bordeaux 1%) hay copper hidroxide (Champion) phun mặt dưới lá 3-4 tuần/lần khi bệnh mới xuất hiện. Hiện nay có thể dùng các loại thuốc nội hấp Hexaconazole 85% (Anvil), cyproconazole 94% (Bonanza), Propiconazole 90% (Tilt).

Chú ý: Bệnh đã phát triển cần vệ sinh vườn, tỉa cành cho thông thoáng kết hợp với dùng thuốc hóa học.

1.5 – Nấm hồng (Corticium salmonicolor)

Tác hại trên cành và phần ngọn của cây, thường phát sinh mạnh vào đầu và trong mùa mưa, khi phát hiện thấy cành bị bệnh và cắt đốt kịp thời. Tiến hành phun thuốc trừ, phòng trong giai đoạn bệnh phát triển. Dùng Bordeaux hay Oxyt clorua 1% phun vào vùng bị bệnh, boặc dùng dung dịch Bordeaux 5% quét lên vết bệnh ở cành chưa bị héo.

2. Sâu hại

2.1- Rệp sáp (Pseudococus. Spp):

Gây hại ở chùm quả và vùng rễ làm cho cây cà phê phát triển kém, làm rụng quả. Thường xuyên theo dõi và phát hiện sớm. Thực hiện phun thuốc trên những cây phát hiện rệp

Phòng trị: Phát hiện sớm dùng Alpha-cypermethrin 90% (Fastac), Methidathion 96% (Supracide 40 EC).

2.2 – Mọt đục cành (Xyleborus mortati):

Phá hại chủ yếu trong thời kỳ kiến thiết cơ bản sang thời kỳ kinh doanh.

Phòng trị: Phát hiện cắt bỏ kịp thời, gom đốt những cành bị mọt.

2.3 – Sâu đục vỏ trái (Prays endolemma):

Thường tấn công trái non làm rụng trái hay tạo các ụ lớn trên vỏ trái làm trái bị biến dạng, giảm giá trị sản phẩm.

Phòng trị: Cần theo dõi thu gom các trái rụng đem chôn để trừ ấu trùng đang phát triển trong vỏ trái.

2.4 – Mọt đục trái (Stephanoderes lampei):


Đục từ núm quả vào trong sau đó phá hạt. Dùng các loại thuốc để trừ như: Phun Fenvalerate 92% (First 20EC), Etofenprox 96% (Trebon), Lambda-cyhalothrin (Karate) vào giai đoạn quả chuyển từ xanh sang chín.

2.5 Sâu đục thân thường gọi là Bore (Xylotrechus quadripe).

 Chỉ tác hại trên giống cà phê chè ở tuổi cây thường từ cuối năm thứ 3 trở đi. Sâu đẻ trứng vào kẻ nút của vỏ sau đó sâu non nỏ vào phá hoại phần gỗ bên trong thân cây là cho cây héo rồi chết. Loại sâu này khả năng xuất hiện quanh năm nhưng tập trung đẻ trứng rộ vào hai thời kỳ xuân, hè (tháng 3,4,5) và thu đông (tháng 10,11).

Trồng cây bóng mát cho cà phê để hận chế sự tác hại của sâu. Dùng Boremun 4% phun phủ kín lên thân cây từ ngọn đến gốc 1 năm 2 lần để diệt trừ trứng, sâu non và sâu trưởng thành vào tháng 3-4 (xuân – hè) và tháng 10-11 (vụ thu đông). Những cây bị sâu nặng phải kịp thời cưa cắt kịp thời để kịp thời diệt nguồn sâu trưởng thành.

VI. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

1. Kỹ thuật sử dụng thuốc

1.1 Sử dụng theo 4 đúng

a. Đúng thuốc: căn cứ đối tượng dịch hại cần diệt trừ và cây trồng hoặc nông sản cần được bảo vệ để chọn đúng loại thuốc và dạng thuốc cần sử dụng.
b. Đúng lúc: dùng thuốc khi sinh vật còn ỏ diện hẹp và ở các giai đoạn dễ mẫn cảm với thuốc (thời kỳ sâu non, bệnh chớm xuất hiện).
c. Đúng liều lượng, nồng độ: đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc và liệu lượng nước trên một đơn vị diện tích.
d. Đúng cách: tùy vào dạng thuốc, đặc tính thuốc và những yêu cầu kỹ thuật cũng như nơi xuất hiện dịch bệnh mà sử dụng cho đúng cách.

1.2 Hỗn hợp thuốc

Là pha hai hay nhiều loại thuốc nhằm trừ cùng một lúc được nhiều dịch hại, tuy nhiên cần lưu ý các điểm sau: chỉ nên pha các lọai thuốc theo sự hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, bảng hướng dẫn pha thuốc hoặc sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên ngành biết rõ về đặc tính của thuốc.

2. An toàn trong sử dụng thuốc BVTV

2.1 Những tình huống bị nhiễm thuốc BVTV
– Nuốt phải thuốc
– Hít phải thuốc.
– Dính vào da.
Trong đó nuốt phải thuốc là dễ trúng độc nhất.

2.2 Triệu chứng ngộ độc thuốc BVTV
– Toàn thân: mệt mỏi, phờ phạc, sốt nóng hoặc rét lạnh.
– Da: tấy đỏ, viêm, đổ mồ hôi, xạm hoặc tái xanh.
– Mắt: ngứa, viêm đỏ, chảy nước mắt, mờ nhìn không rõ, có trường hợp đồng tử co hoặc giãn.
– Hệ hô hấp: hắt hơi chảy nước mũi ho đâu ngực, khó thở.
– Hệ thần kinh: nhức đầu, chóng mặt, cử động rối loạn, cơ bắp co giật, bồn chồn, đi lảo đảo, nói đớ lưỡi, người xỉu đi, bất tỉnh.
– Hệ tiêu hóa: miệng và họng bị nóng, ra nhiều nước dãi, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, co thắt dạ dày, tiêu chảy.

2.3 Các biện pháp sơ cứu khi nhiễm thuốc BVTV
– Đọc kỹ nhãn về phòng chống độc và một số đồ dùng cần thiết khi cấp cứu.
– Bình tỉnh đưa nạn nhân ra xa nơi nhiễm thuốc, cởi đồ nhiễm thuốc và rửa sạch vùng da nhiễm thuốc.
– Gây nôn nếu nạn nhân còn tỉnh táo và nhãn thuốc cho phép.
– Đặt nạn nhân nằm ổn định, giữ ấm nếu thấy lạnh, lau bằng nước lạnh nếu nạn nhân nóng sốt.
– Theo dõi nhịp thở, nếu ngừng thở phải làm hô hấp nhân tạo.
– Tuyệt đối không cho hút thuốc, uống sữa, uống rượu.
– Đưa nạn nhân đến Y, bác sỹ và phải mang theo nhãn thuốc.

2.4 Đồ bảo hộ lao động

– Áo dài tay, quần dài.
– Nón, mũ.
– Khẩu trang.
– Kính bảo hộ mắt
– Bao tay.
– Ủng, giày cao su
Yêu cầu bảo hộ lao động phải che phủ cơ thể và thích hợp với điều kiện khí hậu.

2.5 Chuyên chở thuốc BVTV
– Trước khi rời khỏi cửa hàng phải: kiểm tra bao bì xem thuốc có bị rò rỉ hay không, được gói buộc cẩn thận chưa và hỏi người bán thuốc các biện pháp cần phải làm nếu thuốc bị đổ bể.
– Không chuyên chở thuốc BVTV lẫn lộn với các vật dễ cháy, dễ nổ, lương thực thực phẩm vật dụng khác…
– Hạn chế chuyên chở thuốc bằng các phương tiện chật hẹp vì dễ gây ngộ độc cho người đi cùng và ảnh hưởng môi trường.

2.6 Cất giữ thuốc BVTV
– Nên mua thuốc BVTV đủ sử dụng, tránh dư thừa nhiều.
– Phải cất giữ thuốc nơi riêng biệt, không để gần gia súc, lương thực thực phẩm, người không có trách nhiệm.
– Nơi cất giữ thuốc không được ở nơi đầu gió, không gần giếng ăn hoặc kênh rạch, không bị nắng chiếu vào, không bị mưa.
– Luôn kiểm tra nơi giữ thuốc, không để cho thuốc bị đổ vỡ, rò rỉ. Nếu xảy ra cần dọn dẹp sạch sẽ ngay.
– Nơi cất giữ thuốc phải có khóa chắc chắn để trẻ em, người lớn không phận sự và gia súc không ra vào được nơi đó.

2.7 Cân đong và pha thuốc
– Cần mang đủ đồ bảo hộ lao động khi cân đong và pha thuốc.
– Đọc kỹ hướng dẫn ghi trên nhãn hoặc tờ bướm để biết rõ liều lượng pha và các thông tin khác.
– Chuẩn bị đủ dụng cụ cân đong, những loại này đều được đánh dấu riêng.
– Kiểm tra cần phun, cẩn thận khi mở nắp chai thuốc, tránh vung tung tóe thuốc, tránh cân đong nơi trẻ em nô đùa.
– Cân đong chính xác lượng thuốc cần dùng.
– Không được cân đong, pha thuốc hoặc rửa bình bơm gần ao hồ, suối, giếng, kênh mương.

2.8 Phun rải thuốc BVTV

Nên:
– Mang bảo hộ lao động khi phun thuốc.
– Kiểm tra ruộng bảo đảm không có người và gia súc có mặt nơi đó.
– Đọc kỹ nhãn để biết mối nguy hiểm với môi trường.
– Gắn biển báo nơi sau khi phun thuốc.
– Rửa sạch bình bơm ngay sau khi phun
– Phun đều khắp ruộng.
Không nên:
– Phun khi trời gió to, chuyển mưa, ngược chiều gió, lúc trưa nắng.
– Phun khi cơ thể suy yếu, mệt mỏi.
– Cho trẻ em và phụ nữ mang thai phun thuốc.
– Ăn uống, hút thuốc trong khi phun thuốc.
– Đưa béc phun vào miệng thổi.
– Phun rải bay tạt vào nguồn nước uống, nhà ở…

2.9 Dọn sạch thuốc đổ vãi
– Bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc.
– Không được dùng nước để cọ rửa vì nước sẽ làm thuốc tràn lan khắp nơi.
– Rắc mùn cưa, tro, đất bột, cát lên trên mặt nơi có thuốc rơi vãi.
– Nếu thuốc hoặc chất thấm nước có khả năng bay mùi ra xung quanh phải rưới nước từ từ hoặc phủ lên đó một tấm vải nhựa.
– Thu gom thuốc đổ vãi và vật dụng xử lý cho vào túi nhựa và tiến hành tiêu hủy.

2.10 Tiêu hủy thuốc và bao bì chứa thuốc
– Nếu bao bì bằng giấy thì cho xuống hố rồi đốt.
– Nếu bằng nhựa nhưng trên nhãn có chỉ dẫn là không được đốt thì phải đập vỡ, đâm thủng rồi chôn xuống đất.
– Nếu bao bì làm bằng vật liệu không cháy thì đập vỡ đâm thủng.

2.11 Vệ sinh sau khi tiếp xúc với thuốc BVTV
– Cởi bỏ ngay bộ đồ bảo hộ lao động.
– Tắm gội sạch sẽ bằng xà phòng.
– Giặt giũ đồ bảo hộ lao động.
– Thay quần áo sạch trước khi nghỉ ngơi, ăn uống, hút thuốc.
Tóm lại, việc sử dụng thuốc một cách an toàn là điều rất quan trọng cho bản thân và môi trường cộng đồng xung quanh, góp phần mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn. Vì thế chúng ta nên chú ý tuân thủ theo những vấn đề an toàn và thời gian cách ly được nêu ra theo khuyến cáo hoặc trong nhãn thuốc trừ sâu.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *