CategoriesCây ăn quả Nhãn Trồng trọt

Kỹ thuật trồng nhãn (P2)

Ở phần 1, chúng tôi đã giới thiệu đặc điểm sinh học của cây nhãn  cùng với một số giống nhãn có giá trị được trồng phổ biến. Trước đó, chúng tôi cũng đã giới thiệu kỹ thuật thiết kế vườn. Ở phần 2, Fman xin giới thiệu cho các bạn cách tỉa cảnh, tạo tán; bón phân và thu hoạch nhãn.

6. Tỉa cành và tạo tán

– Tạo tán: Khi cây còn nhỏ cần tỉa bỏ ngọn cây cách mặt đất khoảng 0,8-1 m và những cành dầy đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau, trên thân cây. Tuyển chọn lại 3-4 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 10-20 cm. Cành thứ nhất nên cách mặt đất 50-80 cm.

Sau khi trồng 12-18 tháng tiến hành tỉa bỏ những cành mọc thẳng đứng, cành hướng vào giữa tán cây, cành bị che khuất mọc gần gốc,…nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng.

– Tỉa cành: Việc cắt, tỉa cành cho cây thông thoáng giúp các cành trong tán cây có thể nhận được đầy đủ ánh sáng làm cho quá trình quang hợp của cây được đầy đủ.
Mức độ cắt tỉa ở cây nhãn còn tùy thuộc vào giống, tuổi cây, trạng thái sức khỏe của cây, mùa vụ,…để có thể quyết định đốn đau hay cắt nhẹ.

Sau khi thu hoạch xong cần cắt bỏ đồng loạt những đọt đã mang trái hay không mang trái ở vụ trước nhằm tạo ra bộ tán đều và đồng loạt (Hình 14). Cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán.

7. Bón phân

Dinh dưỡng là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hình thành trái (ngoại trừ các yếu tố như thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa).

Bón phân hợp lý sẽ làm cho năng suất được ổn định. Thiếu phân, đặc biệt là thiếu đạm và kali sẽ làm cho trái rụng, trái nhỏ và cơm mỏng.

Việc cung cấp phân cũng giống như tưới nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến suốt vụ, đặc biệt là sự phát triển của chùm hoa, sự ra trái và thời kỳ sinh trưởng, ra đọt ở vụ sau.

Liều lượng phân bón cho nhãn cần căn cứ vào độ lớn của cây, sản lượng quả hàng năm, giống và độ màu mỡ của đất để bón phân.

a. Bón phân thời kỳ kiến thiết cơ bản

Đối với cây 1-3 năm tuổi: sau khi trồng cây nhãn bắt đầu ra đợt đọt non thứ 2 thì bón phân.

Năm đầu tiên cây còn nhỏ nên pha phân vào nước để tưới, phải tưới cách gốc 20-25 cm để tránh phân làm cháy rễ.

Hàng năm bón thêm phân hữu cơ hoai mục 5-10kg/cây.

Bảng 1: Khuyến cáo bón phân cho cây nhãn ở thời kỳ kiến thiết cơ bản

b. Bón phân thời kỳ khai thác

Đối với cây trên 3 năm tuổi: số lượng phân bón kể trên tăng dần từ 20-30% mỗi năm và số lần bón được chia ra như sau:

Lần 1: Sau khi thu hoạch trái 1 tuần bón: 60%N + 60%P2O5 +25% K2O.Lần 2: Trước khi cây ra hoa 5 tuần bón: 40% P2O5 + 25% K2O.Lần 3: Đường kính quả khoảng 1cm bón: 40%N + 25% K2O.Lần 4: Trước khi thu hoạch trái 1 tháng bón: 25% K2O.

– Hàng năm cần bón thêm phân hữu cơ hoai mục khoảng 10-20kg/gốc/ năm hoặc bón phân tro trấu, xác thân đậu, vỏ đậu.

*Chú ý:

– Tùy tình hình sinh trưởng, năng suất nhãn của vụ trước mà gia giảm lượng phân bón NPK cho vụ nhãn kế tiếp.

– Trước khi cây ra hoa, nếu bón phân không hợp lý (nhiều đạm) thì rất dễ dẩn đến cây ra đọt quá mạnh, ức chế quá trình phân hóa mầm hoa. Do đó trong giai đoạn này cần phải giảm bớt đạm, gia tăng hàm lượng lân và kali để lá sớm thuần thục và trổ hoa sớm.

c. Phương pháp bón phân

– Vùng ĐBSCL: Cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 10-20 cm cho phân vào lấp đất lại tưới nước.

– Vùng Đông Nam Bộ, miền Trung và Duyên Hải Nam Trung Bộ: Đào rãnh xung quanh tán cây rộng 20-30 cm, sâu 10-20 cm. Lượng phân bón được cho vào rãnh sau đó lấp đất lại và tưới nước.

d. Phun phân bón qua lá:

Để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây, có thể dùng hình thức phun phân bón qua lá.

– Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành xong, có thể phun một số loại phân bón qua lá có hàm lượng đạm cao như N-P-K: 30-10-10, 40-4-4, 33-11-11,…nhằm giúp cho bộ lá mới ra đều và khỏe mạnh.

– Sau khi khoanh vỏ khoảng 4-7 ngày, để thúc đẩy lá mau thuần thục và sớm trổ, có thể dùng một trong các loại phân bón qua lá như Bloom Plus (Schultz) N-P-K:10-60-10 (20gr/10 lít nước) hoặc MKP 0-52-34 (50gr/10 lít nước). Không nên xịt các loại phân bón qua lá có hàm lượng đạm cao vào lúc này vì có thể dẩn đến sự xuất hiện lá non mới, cây tiếp tục ra lá, không ra hoa hoặc hoa ra không đều, dễ hình thành bông lá (trên chùm hoa có mang lá) và những lá non mới này sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với hoa, trái non.

– Trong giai đoạn từ khi trái non cho đến trước lúc thu hoạch, để bổ sung thêm dinh dưỡng, có thể sử dụng các loại phân bón qua lá có hàm lượng đạm và kali cao như N-P-K:13-10-21, 10-0-35, 25-10-17,5 .

8. Xử lý ra hoa

a. Xử lý ra hoa trên giống nhãn Tiêu da bò:

a.1. Một số kinh nghiệm và kỹ thuật cần thiết khi xử lý ra hoa:

– Cây nhãn Tiêu da bò 2 năm có thể cho được 3 vụ quả. Tuy nhiên, tỷ lệ ra hoa tự nhiên là rất thấp, cho nên phải tiến hành biện pháp xử lý ra hoa. Kỹ thuật khoanh vỏ trên cây (còn được gọi là khấc cành) để xử lý cho cây ra hoa là kỹ thuật chính yếu(Hình 15).

– Sau khi thu hoạch quả vụ trước tiến hành bón phân, loại bỏ những cành cằn cỏi, vô hiệu.

– Khi lá nhãn của đợt thứ 2 có màu xanh đọt chuối (thường gọi lá lá lụa, Hình 16), dùng dao hay sứa khoanh vỏ vòng tròn quanh thân cành. Chỉ khoanh vỏ trên những cành chính và nên để lại 1-2 cành thường được gọi là nhánh thở để có nhựa luyện nuôi cây.

– Vết khoanh rộng khoảng 1.5-2 mm (đối với cành nhỏ), 3-5 mm (đối với cành lớn), dùng dây nilon quấn chặt nhiều vòng vào chỗ đã khoanh. Từ lúc khoanh vỏ đến khi cây nhãn ra hoa khoảng 20-35 ngày (tùy vào tuổi cây), thời gian này không được tưới nước cho cây. Khi thấy chùm hoa nhãn đã nhú ra được khoảng 5 cm thì tháo bỏ dây và bắt đầu tưới nước trở lại.

a.2. Các giai đoạn phát triển trong một vụ nhãn trên giống nhãn Tiêu da bò có thể tóm tắt như sau

– Tỉa cành à Khoanh cành : 60-90 ngày (2-3 cơi đọt)

– Khoanh cành à Chuẩn bị ra hoa : 30-35 ngày.

– Ra hoa à Đậu quả : 25-30 ngày.

– Đậu quả à Thu hoạch : 90-105 ngày.

Tổng cộng: Thời gian từ lúc khoanh vỏ đến thu hoạch trái nhãn: 5 – 5,5 tháng.

a.3. Một số nguyên nhân hạn chế sự thành công khi xử lý ra hoa trên cây nhãn Tiêu da bò:

– Giai đoạn khoanh vỏ: không ít nhà vườn tiến hành khoanh vỏ cho cây không đúng thời điểm mà lại xử lý quá sớm (lá non còn màu đỏ trên đọt) hoặc quá trể (lá đã chuyển sang màu xanh đậm) nên tỷ lệ thành công thấp. Tiến hành xử lý ra hoa cho cây quá sớm ngay cơi đọt thứ nhất, lúc này cây chưa hồi phục kịp sau giai đoạn mang trái ở vụ trước, cây có bộ lá không khoẻ, lá nhỏ dẩn đến sự hình thành bông yếu, trái nhỏ. Nhưng nếu đợi đến cơi đọt thứ 3, 4 mới khoanh vỏ thì càng khó xử lý cho cây ra hoa đồng loạt vì càng về sau thì cây ra đọt càng không tập trung, đọt không đều.

– Chiều rộng của vết khoanh: đã có nhiều trường hợp chết cành hoặc chết cả cây xảy ra là do khi khoanh vỏ cho cây ra hoa không ít nhà vườn đã tạo ra một vết khoanh quá lớn. Hoặc như trường hợp khi cây chưa kịp ra hoa thì hai dấu vết khoanh đã liền nhau do chiều rộng của vết khoanh quá nhỏ.

– Vị trí khoanh vỏ: khoanh vỏ ở gốc thân chính hay trên cành cấp 1 nhưng lại không chừa “nhánh thở” cho cây hoặc để lại những cành quá nhỏ, những cành phía dưới, cành nằm bên trong tán cây dẫn đến trường hợp cây chết trước khi ra hoa.

– Bón phân không hợp lý: bón hoặc phun các loại phân bón qua lá quá nhiều đạm trong giai đoạn xử lý ra hoa cho cây dẫn đến cây dễ ra lá hoặc hình thành bông lá.

– Tưới nước: trong giai đoạn xử lý cho cây ra hoa mà lại tưới nước quá nhiều hoặc do điều kiện thời tiết như mưa nhiều, mưa liên tục thì cây lại tiếp tục ra lá.

– Cắt tỉa cành: cắt tỉa cành nhiều quá sẽ làm cho cây đâm nhiều chồi, hình thành nhiều chùm hoa, năng suất cao trong vụ này nhưng lại giảm ra hoa trong vụ tới.

– Phòng trừ sâu bệnh: không phòng trừ sâu bệnh kịp thời điển hình như sâu đục gân lá nên lá non trên đọt bị biến dạng, gân lá bị cháy đen, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, hình thành đọt mới.

b. Xử lý ra hoa trên giống nhãn Xuồng cơm vàng và Xuồng cơm trắng

Nhãn Xuồng cơm vàng và Xuồng cơm trắng mỗi năm cho một vụ quả. Khi thu hoạch xong cần tỉa cành đồng loạt. Bón phân đầy đủ theo khuyến cáo. Nên phun thuốc ngừa sâu phá hại lá đồng thời kết hợp phun một số loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao như N-P-K (30-10-10) với liều lượng 10g/8-10 lít nước để nuôi bộ lá cho tốt. Bắt đầu ngưng tưới nước khi lá của đợt đọt thứ 2 trở nên già và bắt đầu cho đợt đọt thứ 3. Đến khi cây vừa nhú hoa có thể tưới nước trở lại. Nếu trong thời gian ngưng tưới thấy có triệu chứng cây thiếu nước có thể tiến hành tưới nhẹ cho cây.

c. Xử lý ra hoa trên cây nhãn Long, nhãn Super:

Cây nhãn long hay nhãn super một năm có thể thu hoạch 2 vụ trái: vụ thuận, vụ nghịch.

– Vụ thuận: Khoảng giữa đến cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 tiến hành bón phân, tỉa cành, sửa tán cây. Thông thường tỉa đọt (đã thu quả) chỉ để lại 3 đôi lá kép ở cành mang quả. Có thể phun thêm các loại phân bón lá có công thức đạm cao như N-P-K (30-10-10). Khi lá đọt thứ 2 từ màu đỏ chuyển sang xanh nhạt là thời điểm phát hoa xuất hiện nên tiến hành tưới nước trở lại .

– Vụ nghịch: Sau khi thu hoạch nhãn vụ thuận khoảng tháng 6-7 dương lịch thì nhanh chóng tỉa cành và tiến hành bón phân điều khiển cho cây ra một đợt đọt non trong thời gian nhất định. Để giúp cho cây ra hoa đồng loạt có thể phun bổ sung thêm các loại phân bón lá có tỉ lệ NPK như sau: 0-52-34; 10-60-10; 6-30-30. Sau khi chùm hoa xuất hiện cũng tiến hành chăm sóc như trên.

9. Tăng đậu quả, hạn chế rụng quả non

a. Tăng đậu quả: Dùng Progibb (GA3) liều lượng 0,1g/10 lít nước hoặc H3BO3 1,0g/10 lít nước, phun vào các thời điểm trước khi cây nở hoa, 30% hoa nở và cây vừa đậu quả sẽ làm tăng tỷ lệ đậu quả.

b. Khắc phục hiện tượng rụng trái non: vườn phải trồng cây chắn gió, tưới nước, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh và phun các chế phẩm chống rụng quả non như: CRT, Thiên Nông,… từ khi trái có đường kính 0,3 – 0,5 cm.

10. Tỉa trái trên chùm:

Việc tỉa trái giúp gia tăng kích thước, trái to, giảm hiện tượng ra trái cách năm, chùm trái sẽ có trái đồng đều về độ lớn. Tiến hành tỉa trái sau khi kết thúc thời kỳ rụng trái sinh lý, lúc này trái non đang ở vào giai đoạn khoảng 4-6 tuần sau khi đậu trái, kích thước trái khoảng bằng hạt đậu nành. Tỉa những trái bị sâu bệnh, trái dị hình, trái ở đầu ngọn của chùm.

11. Bao quả

Biện pháp đơn giản là dùng lưới, túi chuyên dùng để bao quả hoặc túi nhựa PE có đục những lỗ nhỏ sao cho nước không đọng ở đáy túi trong quá trình bao quả. Thời điểm bao tốt nhất là trái có đường kính 1cm. Chú ý phòng trừ sâu bệnh trước khi bao quả.

 Làm cỏ xung quanh gốc nhãn             Trồng xen đu đủ trong vườn nhãn

(1)                                                               (2)

(1)Tưới nước cho nhãn bằng hệ thống tưới phun dưới tán cây

 (2)Cắt đọt cành sau khi thu hoạch

 Khoanh vỏ trên thân cành trên cây                           Giai đoạn lá lụa trên cây

IV. THU HOẠCH VÀ CÁCH BẢO QUẢN

Ở ĐBSCL, nhãn Xuồng cơm vàng và nhóm nhãn Long nên thu hoạch khoảng tuần thứ 11, nhãn Tiêu da bò nên thu hoạch khoảng tuần thứ 14 sau khi đậu trái. Nếu thu hoạch sớm hơn tỷ lệ thịt/quả còn ít và vị ngọt kém, còn nếu thu hoạch trễ hơn tuy làm cho quả có ngọt hơn nhưng vỏ trái có nhiều chấm đen làm mất giá trị thương phẩm.

Khi thu hoạch dùng kéo cắt cả chùm quả để cho cành khỏi bị gãy, bị xước và nếu cành bị bẻ đi quá sâu sẽ ảnh hưởng đến ra hoa vụ sau. Nhãn non thu hoạch được cắt tỉa và buộc lại thành từng chùm cho đẹp mắt hoặc đóng gói theo yêu cầu của thị trường.

Vận chuyển và bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 5-8oC, ẩm độ môi trường không khí 90-95% sẽ giữ được màu sắc và độ tươi của quả nhãn. Dùng bao nilon PE (Poly ethylene) có 15-25 lỗ nhỏ/dm2 để bảo quản nhãn sẽ hạn chế được cường độ hô hấp của quả tươi và bảo quản quả nhãn kéo dài hơn 2 ngày so với cách bảo quản thông thường.

Nguồn: Kỹ thuật trồng nhãn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *