CategoriesCây ăn quả Chuối Trồng trọt

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối già – Phần 2

Ở bài trước Farmtech VietNam đã giới thiệu cho các bạn “Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối già – Phần 1” và ở bài này chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn phần 2 về chăm sóc và sâu bệnh trên cây chuối già.

7. Chăm sóc

– Trồng dặm: sau khi trồng khoảng 30 ngày, nếu thấy cây chết hay phát triển kém thì phải trồng dặm bằng những cây giống có chiều cao thân 20 – 30 cm.

– Tỉa cây con: khi cây bắt đầu đẻ cây con tiến hành tỉa con (có thể dùng để trồng tiếp hoặc bỏ đi). Mỗi tháng kiểm tra một lần để tỉa bỏ cây con kịp thời, tránh cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, giảm sâu bệnh. Tỉa bỏ những cây yếu, cây nằm sát nhau, chừa các cây con gối nhau, mỗi bụi chỉ nên có 3 – 4 cây đang phát triển (1 cây mẹ, 2 – 3 cây con), cụ thể:

+ Khi cây mẹ chưa trổ quày chỉ chừa lại 3 cây/bụi (1 mẹ và 2 con), tuổi của 2 con cách nhau khoảng 3 tháng, 2 cây con chừa lại phân bổ đều các hướng.

+ Khi cây mẹ bắt đầu trổ quày, tiếp tục chừa cây chuối thứ 3 (1 cây mẹ, 3 cây con), các cây con chừa lại phân bổ đều theo tán cây mẹ. Khi cây con tiếp theo bắt đầu trổ quày tiến hành chừa cây con nữa. Cứ tiếp tục cho tới hết chu kỳ cây chuối.

Khi tỉa chồi, áp dụng biện pháp cơ học là cắt ngang thân giả sát mặt đất rồi dùng đục sắt phá hủy điểm sinh trưởng, hoặc bứng bỏ cây con bằng leng, xà beng. Có thể dùng hoá chất như nhỏ khoảng 3 giọt 2,4-D 50% dạng nhũ dầu vào đỉnh sinh trưởng hay dùng kim tiêm thẳng vào đỉnh

– Bẻ bắp chuối: sau khi chuối trổ hàng hoa cuối cùng, để trổ tiếp 2 hàng hoa đực nữa thì cắt bỏ bắp. Cắt xa nải chuối 20 – 30 cm tránh vết cắt có thể bị thối, ảnh hưởng đến nải chuối.

– Che, chống buồng: để tránh rám trái do nắng, bảo vệ vỏ có màu sắc đẹp, sau khi bẻ bắp khoảng 10 ngày thì dùng bao nhựa dẻo hay giấy dầu cột túm ở cuống quày, bên dưới để trống. Nếu quày chuối quá nặng, cần dùng nạng bằng tre hoặc tràm để chống đỡ quày, tránh cây đổ ngã.

– Chăm sóc vườn sau thu hoạch: đốn bỏ cây mẹ đã thu buồng, đào bỏ củ, cắt bỏ lá khô, bẹ khô, chuyển ra khỏi vườn.

8. Sâu bệnh gây hại

  • Sùng đục củ (Cosmopolites sordidus)

Thành trùng là một loại mọt dài 0,5-1 cm, màu xám, khi mới nở có màu đỏ nâu hay đen. Mọt di chuyển ban đêm, ban ngày ẩn núp ở củ hay bẹ chuối gần mặt đất. Con cái sống cả năm và đẻ trứng liên tục, chích vào thân chuối đang mọc để đẻ trứng. Ấu trùng là sùng màu trắng dài 1-1,5 cm, đục phá củ chuối thành những lỗ đường kính độ 1-1,5 cm, tạo đường đi cho nấm xâm nhiễm. Cây chuối không hấp thu dinh dưỡng được nên phát triển kém, nếu là cây con thì dễ chết. Cây trổ buồng nhỏ, trái nhỏ. Khi thấy trong vườn có lá chuối rụng nhiều hoặc cây mọc yếu mà không có dấu hiệu gì khác thì có thể nghi là bị sùng đục củ chuối.

Để phòng trị sùng đục củ chuối, áp dụng các cách sau:

– Chọn cây con đem trồng không có dấu vết của sùng, không chất đống cây con qua đêm trước khi trồng để tránh mọt đến đẻ trứng. Không tồn trữ cây con quá lâu.

– Có thể nhúng cây con trong dung dịch thuốc trừ sâu, như Furadan hay Basudin trước khi trồng.

– Khi thu hoạch cần chặt sát thân mặt đất, lấp đất lại không để mọt đẻ trứng.

– Lấy thân chuối chẻ đôi, cắt thành khúc dài 30-60 cm, đặt úp xuống đất dụ sùng đến để giết.

– Dùng thuốc bột hay hột rải quanh gốc, cách gốc 30 cm; Hoặc phun thuốc nước vào gốc.

  • Sâu cuốn lá (Erionota thrax Linnaeus)

Trứng được đẻ rải rác ở mặt dưới lá, có màu vàng nhạt, khi sắp nở có màu hồng. Ấu trùng màu xanh nhạt, khi lớn có sáp trắng bao quanh, dài khoảng 6 cm. Nhộng thon dài màu nâu vàng và cũng được phủ lớp sáp trắng. Thành trùng có màu nâu, chiều dài khoảng 5-5,5 cm (con đực), 6-6,5 cm (con cái). Cánh trước có 3 đốm vàng nhạt. Sâu cắt lá và cuốn lại. Lá bị cuốn sẽ khô héo đi. Ở ĐBSCL, sâu xuất hiện cũng phổ biến nhưng có mật số thấp. Khi bị nặng, cây trụi lá, quầy nhỏ.

Phòng trị bằng cách ngắt bỏ các phần lá bị cuốn, khi có nhiều sâu thì phun các loại thuốc: Regent , Phironin, …

  • Tuyến trùng

Gồm có các loài sau:

– Loài đục rễ (Radopholus similis)

Thành trùng dài 0,68 mm, rộng 0,02 – 0,03 mm, con cái có kim, đầu hơi tròn. Tấn công và phá hủy rễ, tạo các vết màu nâu đỏ hay đen. Rễ ngắn đi và ít mọc rễ nhánh. Tuyến trùng có thể đục ở vòng ngoài của củ làm vòng củ bị đỏ lên. Tuyến trùng đẻ trứng ở các mô trong rễ, khi nở sẽ chích hút nhựa tế bào. Các mô chết làm thành các vết đen ở rễ. Cây bị cằn cỗi, buồng nhỏ, trái nhỏ và dễ bị các loại nấm sống trong đất như Fusarium oxysporum, Rhizoctonia solani tấn công theo các vết chích hút của tuyến trùng, làm chết cây. Mật số tuyến trùng tăng nhiều từ mùa thứ 2 trở đi.

– Tuyến trùng làm sưng rễ (Meloidogyne incognita):

Làm rễ bị sưng với nhiều nốt rễ có kích thước khác nhau. Loại nầy ít gây thiệt hại.

– Tuyến trùng xoắn ốc (Heliotylenchus Spp): Sống bên ngoài rễ làm đứt rễ.

– Tuyến trùng chích rễ (Pratylenchus Spp.): Có triệu chứng tương tự như tuyến trùng đục rễRadopholus similis.

Cách phòng trị:

– Loại bỏ các cây bệnh, đào bỏ cả rễ.

– Cày phơi đất trong 6 tháng trước khi trồng mới.

– Chọn cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô để trồng. Nếu trồng bằng cây tách chiết, chọn cây con ở vườn không bệnh để trồng; trước khi trồng gọt bỏ rễ và mặt củ cây con, tránh làm hư các mầm ngủ trên củ, ngâm củ với dung dịch Furadan 0,2% trong 1 phút, sau đó để khô trong 24 giờ trước khi trồng.

– Rải Basudin hay Furadan trước khi trồng và lặp lại mỗi 6 tháng hay 1 năm.

  • Bệnh héo rũ Panama (nấm Fusarium oxysporum f. cubense)

Bệnh lan tràn nhanh dẫn đến chết cây, không trồng lại được ở vùng đất bị nhiễm bệnh, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây. Các lá già bị vàng trước rồi lan dần lên các lá ngọn. Lá bị vàng từ bìa lá rồi lan vào gân lá, lá bị héo. Cuống bị gãy nơi tiếp xúc với thân giả, đôi khi ở phần giữa phiến lá. Các lá đọt còn xanh và mọc thẳng, sau đó có màu xanh nhạt hay hơi vàng, nhăn nheo và cuối cùng cũng bị héo. Thân giả bị chết nhưng vẫn đứng, có các bẹ ngoài bị nứt dọc theo thân. Các chồi con vẫn phát triển nhưng sau đó bị héo rụi. Cắt ngang thân giả sẽ thấy ở các bẹ lá non nhất bên trong có mạch dẫn nhựa đổi màu vàng, trong khi ở các bẹ lá già bên ngoài có mạch màu nâu.

Trong thân thật (củ chuối) có những đốm vàng, đỏ hay nâu. Chẻ dọc phần gốc của các rễ thấy có sọc đỏ chạy dần vào củ chuối.

Cách phòng trị :

– Đào bỏ các gốc bị bệnh, rải vôi hay các loại thuốc gốc đồng (Coc 85, …) để khử đất trước khi trồng trở lại.

– Ở các vườn bị bệnh nặng nên ngưng canh tác, cho ngập nước từ 2-6 tháng để diệt nấm.

– Không dùng chuối con của các vườn bị bệnh. Khử trùng con chuối bằng các loại Ridomil 68WP, Aliette 800WG, … trước khi trồng. Sát trùng dụng cụ chăm sóc.

  • Bệnh Đốm Lá Sigatoka (nấm Cercospora musae)

Bệnh chỉ gây hại các phiến lá, triệu chứng bệnh thường thấy trên các lá thứ 2, 3 hay 4 tính từ ngọn xuống. Vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ 1-10 mm, rộng 0,5-1 mm, màu vàng lợt hay xanh nâu. Các đốm nầy thường xếp dọc theo các gân phụ của phiến lá, phát triển thành các đốm hình thoi nhỏ, màu nâu đen với quầng vàng chung quanh. Nhiều đốm liên kết có thể làm phiến lá bị khô thành những mảng lớn. Cây bị bệnh nặng thường không phát triển được các lá đọt. Trong mùa mưa, nấm bệnh lan theo nước chảy trên lá làm các vết bệnh xếp thành hàng, vào mùa nắng các đốm bệnh phát triển ở chóp lá, làm cháy mép lá hay ngọn lá. Quày và nải nhỏ, trái lâu chín, ruột trái màu vàng hay hồng lợt, ăn có vị chát.

Để phòng trị bệnh không nên trồng chuối trên các chân đất chua, đất phải thoát thủy tốt. Trồng với mật độ thích hợp, tăng cường bón phân lân, làm cỏ thường xuyên. Cắt và đốt bỏ các lá bệnh … Phun ngừa bằng hỗn hợp Bordeaux 1%, Benomyl, Ridomil 0,1%.

  • Bệnh đốm lá Cordana (nấm Cordana musae)

Xuất hiện nhiều đốm hình thoi hay hình trứng lớn, có viền nâu hay đỏ nâu, ở mặt trên lá, bên trong vết bệnh màu xám trắng, có nhiều vòng đồng tâm. Mặt dưới vết bệnh có màu nâu xám. Chung quanh vết bệnh thường có quầng vàng. Các vết bệnh có thể nối liền nhau làm phiến lá bị khô trắng từng mảng lớn.

Quy hoạch vườn cây với mật độ thích hợp, không bị ngập úng, ẩm thấp, vệ sinh thường xuyên, cắt bỏ và thiêu hủy lá bệnh. Phun các loại thuốc giống như trị bệnh đốm lá Sigatoka.

  • Bệnh chùn đọt (Bunchy Top Virus)

Do một loài rầy Mềm Pentalonia nigronervosa truyền mầm bệnh virus. Bệnh phát triển nặng vào những lúc có ẩm độ cao trong mùa khô, nhất là ở đất giàu dinh dưỡng và có phủ đất thường xuyên. Trên lá chuối xuất hiện các sọc xanh lợt ở cuống và phiến lá, song song với các gân phụ. Cây nhiễm nặng sẽ bị chùn đọt do lá không phát triển, mọc hơi đứng chứ không xòe ngang như bình thường. Lá bệnh nhỏ, mép lá phát triển không đều, có màu vàng trắng. Cây bị lùn do nhiễm bệnh sớm và sẽ không trổ buồng. Nếu nhiễm bệnh trễ, cây có thể vẫn cho trái nhưng buồng nhỏ, trái nhỏ cong queo. Cây có thể trổ buồng ngang hông.

Điều tất yếu là nên chọn cây con từ các vườn không có bệnh để trồng, vệ sinh vườn thường xuyên, tránh tủ gốc trong mùa mưa. Nên tiêu hủy ngay đối với tất cả cây bệnh, kể cả củ chuối và phun thuốc diệt rầy.

Nguồn: TRUNG TÂM GIỐNG NLNN KIÊN GIANG được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *