CategoriesCam Cây ăn quả Trồng trọt

Vì sao cam Cao Phong chưa từng phải nhờ đến cộng đồng “giải cứu”?

Đã từng có thời kỳ, để tiêu thụ được sản phẩm cam Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), người trồng cam đã phải “mượn” tên cam Vinh, thậm chí xuất cam sang Trung Quốc, dán nhãn cam Trung Quốc rồi nhập trở lại Việt Nam.

Cam Cao Phong

Đó là thực tế đã diễn ra đối với người trồng cam Cao Phong trong quá khứ, khi những vườn cam chín khắp các triền đồi nhưng không có người mua. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra vào năm 2014, khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong. Từ đó, giá cam Cao Phong mua tại vườn đang từ mức giá 5.000 – 7.000 đồng/kg đã tăng lên từ 25.000 – 40.000 đồng, thậm chí đến thời điểm này cam Cao Phong mua tại vườn đang có mức giá lên đến 80.000 đồng/kg. Mức giá này là không tưởng so với trước đây khi chưa có Chỉ dẫn địa lý.

Câu chuyện về cam Cao Phong nói trên được bà Hà Nguyệt Thu, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra để làm dẫn chứng về tầm quan trọng của Chỉ dẫn địa lý, như một gợi ý cho bài toán nông sản liên tục rơi vào cảnh được mùa – mất giá, thậm chí phải nhờ đến các chiến dịch “giải cứu” của cộng đồng.

Đúng là Chỉ dẫn địa lý mang lại giá trị cho quả cam Cao Phong, vậy Chỉ dẫn địa lý thuộc quyền của ai? Theo bà Hà Nguyệt Thu, đó là quyền sở hữu của nhà nước và nhà nước cho phép các tổ chức, cá nhân nhất định được thay mặt nhà nước thực hiện quyền đăng ký Chỉ dẫn địa lý, và khi thực hiện quyền đăng ký không đồng nghĩa với việc họ trở thành chủ sở hữu. Họ chỉ được quyền quản lý đối với Chỉ dẫn địa lý đó mà thôi.

Cam Cao Phong cuối vụ có giá lên đến 80.000 đồng/kg

“Chỉ những thương hiệu nào đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý thì lúc đó mới được coi là Chỉ dẫn địa lý, hoặc thời hạn bảo hộ cho Chỉ dẫn địa lý nhà nước quy định là được bảo hộ vô thời hạn, nhưng vẫn có điều kiện là khi nào các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính, đặc thù của sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý đó vẫn còn được duy trì thì hiệu lực của Chỉ dẫn địa lý vẫn còn. Trường hợp các yếu tố trên bị thay đổi, hiệu lực của Chỉ dẫn địa lý cũng sẽ chấm dứt”.

“Bài học không bao giờ là cũ đối với người Việt khi thương hiệu Cà phê Buôn Mê Thuột của Việt Nam bị rơi vào tay người Trung Quốc. Sau đó chúng ta đã phải áp dụng rất nhiều nỗ lực, bao gồm cả nỗ lực ngoại giao và các chi phí kinh tế, cùng sự vào cuộc của nhiều luật sư, chúng ta mới có thể thực hiện được thủ tục đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho Cà phê Buôn Mê Thuột. Tuy nhiên, thực tế chúng ta cũng may mắn khi hệ thống pháp luật của Trung Quốc cho phép chúng ta có thể thực hiện việc hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu Cà phê Buôn Mê Thuột tại Trung Quốc. Giả sử trong hệ thống pháp luật của quốc gia khác không thể có cơ chế thực hiện quyền hủy bỏ hiệu lực của một Chỉ dẫn địa lý đã bị một chủ thể khác ở nước ngoài đăng ký tại lãnh thổ quốc gia họ, chúng ta đã không thể đòi được quyền của mình,” bà Hà Nguyệt Thu lấy ví dụ.

Câu chuyện trên cho thấy đây là bài học để các địa phương, người sản xuất luôn nhớ quyền với các tài sản sở hữu trí tuệ, trong trường hợp này là quyền đối với Chỉ dẫn địa lý.

Tại Cao Phong hiện nay, bên cạnh việc bán cam, các hộ dân còn phát triển sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc địa phương, du khách có thể tận hưởng dịch vụ homestay và tự mình hái cam.

Tuy nhiên, để có được thành công như cam Cao Phong, người dân phải đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, họ cũng không tăng diện tích trồng cam một cách ồ ạt dẫn đến dư thừa nguồn cung.

Quyền SHTT thực chất chỉ là một công cụ góp phần vào thành công của doanh nghiệp. Để tạo sự thành công cho mình, doanh nghiệp cần giữ cho mình được chất lượng sản phẩm cũng như tất cả những thứ làm nên thương hiệu cho mình, nếu chỉ trông chờ duy nhất vào quyền SHTT cũng khó có thể làm nên thành công cho một thương hiệu.

Theo cafef.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *