CategoriesChăn nuôi thú y Đà Điểu Gia cầm

Bệnh do kí sinh trùng gây ra ở đà điểu

Trong quá trình nuôi, đà điểu bị nhiễm kí sinh trùng là điều không thể tránh khỏi. Các ký sinh trùng bên trong cơ thể của những con đà điểu được nuôi nhốt thường ít hơn so với những con đà điểu được nuôi theo kiểu chăn thả hoặc tự do. Trong chăn nuôi đà điểu để kinh doanh, trứng thường được ấp nhân tạo và con non thì được nuôi cách ly thành từng nhóm (đàn). Việc nuôi riêng các con non này sẽ giúp cách ly chúng khỏi những con trưởng thành vốn đã đông đúc và như thế sẽ cản trở vòng đời của hầu hết các loại ký sinh trùng trong cơ thể.

Đa số các loại ký sinh trùng này không gây ảnh hưởng lắm về mặt kinh tế. Tuy nhiên, các loại ký sinh trùng sau đây lại được công nhận là gây ra tổn thất nghiêm trọng.

1. Giun dây trong mề đà điểu

Giun sống ở trong mề tuyến (vì thế nên có tên là giun trong mề). Giun trưởng thành có chiều dài từ 0,5-1 cm, màu nâu – hung đỏ, rất mỏng và giống như cái dây. Trứng giun được thải theo phân và vẫn có thể sống tới ba năm sau. Khi có đủ độ ẩm và ấm, trứng sẽ nở thành ấu trùng có khả năng gây bệnh. Kể từ khi nuốt phải, các ấu trùng phát triển thành con giun trưởng thành trong khoảng ba tuần.

Những con đà điểu còn nhỏ đặc biệt rất dễ bị ảnh hưởng bởi loại ký sinh trùng này. Nếu nhiễm nhiều giun có thể làm ảnh hưởng tới mề và có thể làm cho tỷ lệ chết cao.

Các triệu chứng: Con đà điểu bị nhiễm giun có biểu hiện không muốn ăn, uể oải, không khỏe mạnh, mặt tái nhợt (biểu hiện của triệu chứng thiếu máu), bị bệnh đường ruột (trong trường hợp bị bệnh mạn tính) và chứng táo bón (ở những con đà điểu có đường ruột bị ảnh hưởng). Tỷ lệ ở con non thường cao.

Bệnh lý và chẩn đoán: Phát hiện có giun dây ở trong mề hoặc lớp bên trong sau khi tử vong, tìm thấy trứng giun trong phân nhờ phương pháp đãi nổi. Bề ngoài cơ thể và các cơ quan bên trong cơ thể tái nhợt, gan nhỏ và vàng.

Điều trị và kiểm soát: Levamizol là loại thuốc đầu tiên có tác dụng trị bệnh giun dây tốt. Tuy nhiên, gần đây các biểu hiện cho thấy chúng dường như kháng lại thuốc này. Hiện nay, nhóm benzimidazol đã được đưa vào để điều trị. Ví dụ, fenbendazole với liều lượng 15 mg/kg theo đường miệng. Nên nhớ rằng nếu trước đây chuồng trại đã bị nhiễm giun thì cần phải tẩy giun cho đà điểu (các con non và các con đang lớn) thường xuyên (ba tới bốn tuần một lần). Để tránh trường hợp giun kháng lại thuốc đặc trị thì cần phải dùng lần lượt hai hay thậm chí tới ba loại thuốc. Cần phải kiểm tra tất cả những con đà điểu khi mới đưa về trang trại.

2. Sán đà điểu (sán dây, sán xơ mít)

Sán sống ở trong ruột non và có thể làm cho đà điểu gầy mòn dần do bị đói liên tiếp. Trứng sán được thải ra từ một vật chủ trung gian. Loại vật chủ trung gian của sán đà điểu vẫn chưa được biết đến. Khi đà điểu ăn phải vật chủ trung gian thì sán sẽ phát triển thành con sán trưởng thành.

Triệu chứng: Đà điểu non dễ bị ảnh hưởng nhất và có biểu hiện nhiễm sán rất chậm; tình trạng sức khỏe suy sụp dần, uể oải và thiếu máu, đôi khi kèm theo tiêu chảy nhẹ.

Bệnh lý và chẩn đoán: Có sán trong ruột non, có các khúc sán hoặc trứng sán trong phân.

Điều trị và kiểm soát: Cách điều trị sán này cũng giống như điều trị giun dây nhưng loại thuốc fenbendazole cần phải uổng với liều cao hơn (25 mg/kg) ngoài ra cần uống thêm resorantel với liều 130 mg/kg. Với cách dùng thuốc kết hợp như vậy việc tẩy sán, đặc biệt là sau sáu tuần cho uống lại thuốc đó sẽ có hiệu quả cao.

3. Giun nematode

Loại giun Codiostomum struthionis chỉ có ở đà điểu. Nó sống ở ruột già và cản trở quá trình hấp thụ nước. Nó dài khoảng 1-1,5 cm và có màu trắng.

Triệu chứng: Không có các triệu chứng rõ ràng

Bệnh lý và chẩn đoán: Có giun ở đầu đoạn ruột kết, có thể tìm thấy trứng giun trong phân. Điều trị và kiểm soát: Giống như điều trị giun dây.

4. Sán mắt

Đây là một loại ký sinh trùng có thể gây nhiễm cho đà điểu cũng như một số loài chim khác. Loại sán này cần sử dụng loại sên nước ngọt làm vật chủ trung gian riêng. Nó gây ảnh hưởng tới mắt và sống ở túi dịch của màng kết mạc và dẫn tối bệnh viêm màng kết và viêm túi lệ. Sán mắt rất nhỏ, không dài quá 2 – 3 mm.

Điều trị và kiểm soát: Điều trị khoanh vùng ở túi dịch của màng kết mạc bằng bột muối cacbonat 5%. Đợt điều trị thứ hai sau 48 giờ.

5. Vi sinh vật đơn bào

Cầu trùng đã được tìm thấy ở đà điểu sống tại nhiều vùng Bắc Mỹ và châu Âu, đặc biệt là ở những nơi nuôi đà điểu non theo cách nhốt trong chuồng. Loại ký sinh trùng đơn bào này gây ra bệnh về đường tiêu hóa. Loài Eimeria đã được tìm ra nhưng các giống của loài này vẫn chưa được biết rõ.

Triệu chứng: Các triệu chứng bệnh đối với đà điểu thường rất ít. Bệnh chỉ có thể được chẩn đoán chính xác bằng cách kiểm tra đường ruột của chúng. Những con đà điểu bị nhiễm bệnh thường có biểu hiện ăn không ngon miệng, ốm yếu, lông xù lên, tư thế đứng lom khom và phân của chúng có thể có màu.

Bệnh lý và chẩn đoán: kết quả cho thấy có ký sinh trùng đơn bào trong hệ thống tiêu hóa và trong phân của đà điểu.

Điều trị và kiểm soát: thường xuyên dùng thuốc diệt vi sinh vật đơn bào là cách điều trị tốt nhất. Khi phát bệnh, cần khẩn trương tăng cường bổ sung lượng vitamin K, sulfonamide và vitamin A trong chế độ ăn hàng ngày cho đà điểu. Tẩy uế chuồng trại sạch bằng amoniac sau mỗi lứa con non sẽ là một cách không chế vi sinh vật đơn bào rất hiệu quả.

6. Các loại ký sinh trùng bên ngoài cơ thể

Các loại côn trùng, bao gồm rận, mạt, bọ chét là những loài phổ biến nhất và là những loài ký sinh trùng bên ngoài phổ biến có ảnh hưởng tới đà điểu ở mọi độ tuổi. Những con đà điểu bị nhiễm các loại ký sinh trùng bên ngoài nói chung có biểu hiện ngứa ngáy khó chịu và phản ứng bằng cách gãi. Có thể tìm rận và mạt bằng cách kiểm tra da và lông, đặc biệt là ở vùng quanh đít, chân, cánh và cổ. Kiểm tra đà điểu vào ban đêm có thể tìm thấy các loại ký sinh trùng ăn đêm, nhưng để nhận ra được từng loại ký sinh trùng riêng thì cần phải kiểm tra bằng kính hiển vi.

Rận thuộc loài struthiolipenrus có thể gây hư hại và giảm khối lượng lông. Mạt ở đà điểu thuộc họ pterolichidae. Những con mạt soi được dưới kính hiển vi này sống ở trong cuống lông. Trong quá trình sống, mạt chui qua cuống lông và làm hư hại lông. Có mạt ở trong cuống lông sẽ khiến cho con đà điểu tự nhổ lông của chính mình và làm xây sát da. Ngoài việc làm giảm số lượng lông ra, sự khó chịu, căng thẳng cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của đà điểu như viêm đường hô hấp, đồng thời giảm khả năng sinh sản của chúng.

Bọ chét ở đà điểu thuộc về rất nhiều giống. Ở những vùng có lượng mưa lớn và cây cối rậm rạp thì bao giờ cũng có nhiều bọ chét. Chỗ hay bị tấn công nhất của đà điểu là ở đầu và cổ. Bọ chét là loại gây thiệt hại kinh tế đối với đà điểu. Thứ nhất là bọ chét không chỉ làm cho đà điểu không được thoải mái mà còn làm xây xát da do đó làm giảm giá trị của da. Thứ hai, một số giống bọ chét là vật mang của loài trùng rận gây ra bệnh “phù tim”.

Cách điều trị và kiểm soát chung

Nói chung có thể làm giảm tối thiểu các loại ký sinh trùng bên ngoài cơ thể bằng các phương pháp vệ sinh. Liệu pháp Ivermectin (ivoznec) có khả năng tiêu diệt rất tốt hầu hết các loại ký sinh trùng bên ngoài cũng như các loại ký sinh trùng bên trong cơ thể đà điểu nhờ tiêm dưới da liều lượng 0,2 mg/kg, mỗi tháng tiêm nhắc lại một lần trong vòng ba tháng. Nếu bị nhịễm bọ chét nặng thì dùng carbaryl 5 phần trăm rắc hai lần trong hai tuần sẽ rất hiệu quả.

Nguồn:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *