CategoriesCây lương thực Lúa Mô hình nông nghiệp Nông nghiệp bền vững Trồng trọt

Mô hình sinh thái Ruộng lúa – bờ hoa

Thay vì phun thuốc trừ sâu, nhiều bà con nông dân vùng ĐBSCL đã áp dụng mô hình trồng hoa trên bờ ruộng, vừa quản lý tốt dịch bệnh, vừa nâng cao năng suất cây trồng.


Mô hình sinh thái ruộng lúa bờ hoa mang lại nhiều lợi ích cho bà con

ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Nơi đây hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Hàng năm, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lương thực cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động trồng lúa tại ĐBSCL đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan và chịu áp lực lớn về tình hình sâu bệnh như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh siêu vi khuẩn…

Trước kia, để kiểm soát dịch bệnh, tăng năng suất bà con nông dân thường sử dụng thuốc hóa học. Dù mang lại lợi ích trước mắt song về lâu dài sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng: Thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe con người…

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, thay vì phun thuốc hóa học để diệt trừ sâu bệnh, người dân trồng lúa đã áp dụng chương trình IPM: Xuống giống lúa đồng loạt để “né” rầy, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và đặc biệt là áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié…

Ông Phan Văn Xích, nông dân trong vùng ĐBSCL chia sẻ: “Mô hình công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí lại mang đến hiệu quả tích cực như ít sâu rầy hơn, cảnh quan đồng ruộng cũng đẹp hơn. Bởi vậy, tui đã truyền đạt lại cho bà con làng xóm để tiến hành thực hiện và nhận được sự ủng hộ tích cực của mọi người”.

Tại Cần Thơ, mô hình được triển khai từ năm 2013. Tại các ruộng lúa có bờ hoa, bà con nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu trong suốt vụ lúa hoặc có sử dụng nhưng đã giảm số lần phun một vụ. Qua 3 vụ triển khai thực hiện, chi phí sản xuất đã giảm từ khoảng 382 – 505 đồng/kg, lợi nhuận tăng trung bình từ 2,3 – 4,1 triệu đồng/vụ/ha (tùy theo vụ lúa).

Không chỉ tại Cần Thơ một số tỉnh như An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau bà con nông dân cũng tâm đắc với mô hình ruộng lúa bờ hoa bởi nó dễ thực hiện, tạo môi trường trong lành, khi thăm đồng ruộng thấy phấn khởi trước những màu sắc rực rỡ của nhiều loại hoa. Quan trọng hơn ruộng lại ít bị sâu hại do có khả năng dẫn dụ nhiều thiên địch.

Mô hình mang lại cảnh quan đẹp

Một số nơi, thay vì trồng các loại hoa thông thường như hướng dương, sao nhái, hoa cúc mặt trời, hoa cẩm tú, xuyến chi, hoa quỳ… bà con tiến hành trồng đậu bắp, đậu xanh, mè vừa giúp quản lý có hiệu quả dịch bệnh, vừa mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu thập.

Th.S Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: “Mô hình trồng hoa trên bờ ruộng chính là việc tạo một hệ sinh thái phong phú, dẫn dụ được nhiều loại thiên địch trừ sâu bệnh, đồng thời tạo cảnh quan đẹp nơi đồng ruộng. Đây cũng là cách giúp nông dân giảm số lần phun xịt thuốc trừ sâu, từ đó giảm chi phí và tăng năng suất…”.

Tuy nhiên để áp dụng hiệu quả mô hình này, Th.S Lê Quốc Cường cũng lưu ý bà con cần thiết kế thửa ruộng có bờ cao, đủ lớn để trồng hoa, nhân giống hoa trước khi sạ lúa, chọn hoa dễ trồng, ra hoa quanh năm và nhiều hoa, nhiều màu sắc vì các loài hoa này thu hút thiên địch, từ đó góp phần làm giảm mật số rầy nâu và sâu cuốn lá từ 3 – 4 lần trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, trỗ đòng và lúa chín.

Thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng mô hình công nghệ sinh thái trên đồng ruộng để giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *