CategoriesNuôi trồng thủy sản Tôm Tôm Sú Tôm Thẻ Chân Trắng

Điều kiện cơ sở vùng nuôi tôm thâm canh đảm bảo ATVSTP

Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ NN&PTNT Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi tôm của Công ty Trúc Anh tại Bạc Liêu 

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng thâm canh tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này. Cơ sở nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng tuân thủ các quy định chung trong Thông tư này và khi kiểm tra theo quy trình GAP (SQF, VietGAP, GlobalGAP, …) sẽ được cơ quan có chức năng cấp chứng nhận nuôi tôm sú, tôm chân trắng đạt cấp độ tương ứng. Tại Điều 6, chương II: Điều kiện cơ sở vùng nuôi có quy định:

Điều kiện về quy trình công nghệ nuôi tôm

Chuẩn bị ao nuôi

a) Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi.

b) Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại. Nước cấp và nước trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng nước theo phụ lục 1 của Thông tư này.

Tuyển chọn con giống và thả giống

a) Tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam và những quy định của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn hiện hành; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành.

b) Mật độ thả giống

– Nuôi tôm chân trắng thâm canh: mật độ > 60 con/m2.

– Nuôi tôm sú thâm canh: mật độ > 20 con/m2.

c) Mùa vụ thả giống: tuân thủ lịch mùa vụ hàng năm của địa phương.

Thức ăn và chất bổ sung thức ăn

a) Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

b) Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn cho tôm thì chất lượng thức ăn phải đảm bảo theo quy định của Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 102 : 2004 Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho tôm sú.

Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Quản lý và chăm sóc

a) Mực nước ao nuôi: phải được duy trì thấp nhất 1,4 m.

b) Môi trường ao nuôi: chủ cơ sở nuôi tôm phải định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước, bùn đáy ao nuôi theo quy định tại mục I phụ lục 5 của Thông tư này.

c) Cho tôm ăn: khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên mỗi lần cho ăn người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn 2-4 lần/ngày.

d) Nước thải và chất thải

– Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định tai phụ lục 3 của Thông tư này.

Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.e) Phòng bệnh cho tôm

– Cơ sở nuôi tôm phải xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi theo hướng dẫn tại phụ lục 4 của Thông tư này.

– Tôm bệnh, tôm chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom, xử lý kịp thời.

Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh.

Yêu cầu về thu hoạch sản phẩm

Cơ sở nuôi tôm phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *