CategoriesNho Trồng trọt

Trồng nho lấy …. lá, thu tiền đô

Nghe có vẻ lạ nhưng lá nho không những ăn được mà còn mang nhiều chất dinh dưỡng, đồng thời lá nho khô còn được dùng như 1 loại trà hảo hạng. Việc trồng nho lấy lá cho thu nhập cao, thậm chí cao hơn hẳn trồng nho lấy quả.

Vườn nho lấy lá ở Tuy Phong

Xuất phát từ nhu cầu thu mua nguyên liệu của một nhà máy chuyên sản xuất thực phẩm từ lá nho ở Bình Dương. Trung tâm Phát triển kinh tế – xã hội Bình Thuận (gọi tắt là SEDEC) đã nhân giống thử nghiệm giống nho IAC-572 (có nguồn gốc từ Brazil) trồng trên vùng nắng gió của xã Phong Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

Anh Nguyễn Trung Trực – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phong cho biết, so với trồng nho ăn quả, trồng nho lấy lá dễ hơn rất nhiều, ít công chăm sóc và đặc biệt là chi phí chỉ bằng 50% so với nho lấy trái (1 ha nho trái chi phí ban đầu từ 100 – 120 triệu đồng, còn đầu tư trồng nho lấy lá chỉ khoảng 45 triệu đồng).

Theo khảo sát của các chuyên gia Mỹ từ nhà máy chế biến lá nho ở Bình Dương thì đặc điểm của lá nho vùng nắng gió Tuy Phong chất lượng tốt hơn nhiều so với lá nho mà họ phải nhập từ Thái Lan và Mỹ. Lá nho được thu mua 1 USD/kg (do Công ty Yerget Backing của Mỹ, nhà máy tại Bình Dương thu) và muối như muối dưa, rồi bán sang các nước ở Trung Đông và châu Âu. Được biết đây là món ăn không thể thiếu của người Hồi giáo ở Trung Đông. Ở Việt Nam, Công ty CP Sản xuất Thương mại dịch vụ Úc Châu tại Bình Dương đã dùng lá nho để sản xuất nước ép lá nho.

Anh Trần Duy Hiền, công nhân kỹ thuật tại vườn nho Phong Phú cho hay, trồng nho lấy lá không lo rủi ro vì chỉ cần làm cỏ, tưới nước, bón phân chuồng và làm giàn cho nho leo là xong. Khâu còn lại là hái lá.

Theo anh Hiền, mỗi héc-ta nho lấy lá cho sản lượng khoảng 1 tấn/ha/đợt (khoảng 50 ngày/đợt). Sản phẩm làm ra được bao nhiêu tiêu thụ hết ngay, vì nhà máy ở Bình Dương hiện vẫn phải nhập 80% sản phẩm lá nho từ nước ngoài. Do đặc thù khí hậu ở huyện Tuy Phong ít mưa nhất nước, nên cây nho lấy lá ở đây phát triển rất nhanh. Có thể nói đây là cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo, vì không có cây gì có thể thu đến 10.000 USD/ha/năm ở vùng đất thiếu mưa, thừa nắng như Tuy Phong.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *